Nâng cao hiệu quả và hiệu suất đầu tư công là một đòi hỏi cấp thiết trong thời gian tới. Ảnh: Lan Hương |
Những giải pháp về tiết kiệm chi tiêu công gần như không đạt được, trong khi hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp, đầu tư dàn trải... Những yếu tố này đang đe dọa tính bền vững của ngân sách nếu không có những cải cách.
Thách thức lớn
Tại Diễn đàn “Giải pháp chính sách tháo gỡ nút thắt và tạo động lực mới, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sau nhiều năm theo đuổi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên mở rộng đầu tư, chi tiêu công của Việt Nam liên tục được duy trì ở mức cao, thâm hụt ngân sách nhà nước nhiều năm ở mức 5%. Nếu không có những cải cách trong chi tiêu công, nâng cao năng suất của nền kinh tế thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm tới khó bứt lên.
Tại một nghiên cứu về cải cách chi tiêu công ở Việt Nam theo hướng bền vững, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường thuộc Học viện Tài chính chỉ ra 5 thách thức trong chi tiêu công. Thách thức đầu tiên là bội chi ngân sách cao và liên tục tăng khiến Việt Nam phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng ngân sách.
Thách thức thứ hai là dù nợ công vẫn nằm trong ngưỡng cho phép, nhưng hiện đang phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn. “Nếu bội chi ngân sách và mức bảo lãnh của Chính phủ vẫn được duy trì như hiện nay, thì tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam sẽ tăng vượt trần cho phép (65% GDP) trong những năm tới. Mặt khác, dư địa ngân sách đang ngày càng trở nên mỏng, khiến cho nợ công có thể trở nên mất bền vững ngay kể cả khi có những cú sốc nhẹ”, ông Cường cảnh báo.
Thách thức thứ ba được ông Cường chỉ ra là việc thay đổi tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước. Theo ông Cường, dù quỹ lương cũng như tổng biên chế nhà nước của Việt Nam chưa phải là quá cao so với bình quân của các nước có thu nhập trung bình trên thế giới, nhưng tốc độ tăng như trên nếu vẫn tiếp diễn sẽ gây áp lực về tài chính công.
Thách thức tiếp theo là trong thời gian tới, Việt Nam vẫn có nhu cầu đầu tư cao cho cả kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. Việc này đòi hỏi Việt Nam phải duy trì mức độ đầu tư hợp lý và nâng cao hiệu quả và hiệu suất đầu tư công.
Thứ năm là thách thức về phân cấp chi ngân sách và vấn đề hiệu quả. Bởi, theo ông Cường, mặc dù thời gian qua, phân cấp chi ngân sách nhà nước rất mạnh nhưng hiệu quả của phân cấp ngân sách ở Việt Nam chưa thực sự rõ ràng.
Dư địa nào thúc đẩy tăng trưởng?
Để vượt qua những thách thức nêu trên trên, ông Cường khuyến nghị, đã đến lúc Việt Nam cần có sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nhằm hướng tới việc xây dựng một ngân sách bền vững, hiệu quả. Cụ thể là cần rà soát lại các mục tiêu chi tiêu công theo một khuôn khổ chính sách nhất quán hơn, nhằm tạo điều kiện để Việt Nam gắn kết tốt hơn giữa chi tiêu và mục tiêu. Giảm tỷ lệ chi thường xuyên bằng cách giảm tốc độ tăng biên chế của Chính phủ nhằm phát triển một bộ máy hành chính linh hoạt hơn và có khả năng đáp ứng cao hơn. Xem xét lại mức độ phân cấp chi đầu tư cho địa phương gắn với hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội, hạn chế rủi ro đầu tư dàn trải, tạo ra cơ chế khuyến khích nhằm thúc đẩy sự kết nối giữa các dự án hạ tầng lớn, bao gồm cả các dự án hạ tầng giữa các địa phương. Phân cấp đầu tư cần gắn liền với trách nhiệm giải trình và năng lực quản lý của địa phương…
Chỉ ra dư địa chính sách với vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhìn nhận, vẫn còn dư địa trong chính sách tài khóa, đó là phải giảm chi thường xuyên và giảm nợ công. Đây là điều nên làm trước hết trong cải cách chi tiêu công.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, trong bối cảnh ngân sách luôn thâm thủng, bội chi triền miên hiện nay thì cần đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngân sách, kể cả thu và chi, trong đó có vấn đề chấp hành nghiêm kỷ luật tài khóa, nâng cao hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế là phải nâng cao được chất lượng tăng trưởng thông qua tăng năng suất và hiệu quả.