5 quyết tâm, 5 bảo đảm đưa đầu tư công về đích

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Qua 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn cùng kỳ năm trước, mới đạt chưa đến 30% kế hoạch năm. Xác định giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, động lực quan trọng cho tăng trưởng, nhiều bộ, địa phương đặt quyết tâm cao, bứt phá giải ngân trong nửa cuối năm, phấn đấu hoàn thành mục tiêu Thủ tướng chỉ đạo là trên 95% kế hoạch.
Vốn đầu tư công là tiền của Nhà nước, của nhân dân, phải sử dụng hiệu quả nhất, không chậm trễ, không lãng phí. Ảnh: Lê Tiên
Vốn đầu tư công là tiền của Nhà nước, của nhân dân, phải sử dụng hiệu quả nhất, không chậm trễ, không lãng phí. Ảnh: Lê Tiên

Quyết tâm bứt phá trong nửa cuối năm

Là địa phương được giao kế hoạch vốn năm 2024 lớn, với hơn 79 nghìn tỷ đồng, đến nay, TP.HCM mới giải ngân đạt 14,5%, thấp hơn nhiều tỷ lệ chung của cả nước và mục tiêu Thành phố đặt ra. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024 diễn ra ngày 16/7/2024, Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, ngoài nguyên nhân chung, Thành phố có một số nguyên nhân có tính chất đặc thù. Về chủ quan, dù trong điều hành rất tập trung, chỉ đạo hàng ngày, hàng tuần nhưng tiến độ tháo gỡ các vướng mắc còn chậm. Mặt khác, trong 79 nghìn tỷ đồng của kế hoạch vốn năm 2024, có 28 nghìn tỷ đồng của dự án mới, giai đoạn 6 tháng đầu năm chuẩn bị nên chưa kịp giải ngân. Đối với 22 nghìn tỷ đồng vốn giải phóng mặt bằng, do năm nay có điều chỉnh Luật Đất đai, để tránh khiếu nại nên địa phương chờ áp dụng quy định mới để thực hiện tốt hơn. Bên cạnh đó, khoảng 6.800 tỷ đồng bố trí để thanh toán cho Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 cũng đang vướng mắc, rất khó giải ngân…

Lãnh đạo TP.HCM cho biết, Thành phố đang tập trung quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đưa ra, phấn đấu giải ngân đúng kế hoạch năm 2024. Trong đó, cố gắng tập trung giải ngân 50 nghìn tỷ đồng ở dự án mới và giải phóng mặt bằng, một phần vốn ODA. TP.HCM lập 1 tổ công tác theo dõi thường xuyên, báo cáo hàng ngày về giải ngân, vướng gì, cần giải quyết vấn đề gì, Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo từng việc. Thành phố đã tổng hợp 189 kiến nghị, giao các sở liên quan xử lý dứt điểm.

Hải Dương cũng là địa phương giải ngân thấp hơn rất nhiều tỷ lệ chung của cả nước, theo số liệu của Bộ Tài chính mới đạt khoảng 12 - 13% kế hoạch vốn. Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương cho biết, tiến độ giải ngân 6 tháng chậm do một số dự án phải điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng vướng do các hộ dân không đồng ý phương án bồi thường, xác định nguồn gốc đất đai khó khăn… Nhưng đến nay, cơ bản các dự án vướng mắc về trình tự thủ tục, giải phóng mặt bằng khó khăn đã giải quyết được. Năm 2024, Tỉnh cũng phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch với nhiều giải pháp sẽ được quyết liệt thực hiện như rà soát, điều chuyển vốn kịp thời; tập trung rà soát, sớm bàn giao mặt bằng; tăng cường kiểm tra hiện trường; lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm; chủ động kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền giải quyết vướng mắc; xử lý nghiêm cá nhân gây chậm trễ giải ngân…

Trước đó, tại Hội nghị sơ kết ngành kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), Lãnh đạo Sở KH&ĐT Bình Phước cho biết, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 của Tỉnh đạt 20,3% kế hoạch Thủ tướng giao. Đại diện Sở KH&ĐT Bình Phước cho biết, tỷ lệ giải ngân đạt thấp chủ yếu do thị trường bất động sản trầm lắng nên công tác đấu giá đất quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn thu này; chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt; giải phóng mặt bằng còn chậm trễ nên gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Điều chỉnh dự án theo quy hoạch mới được phê duyệt; vướng giải phóng mặt bằng; thiếu vật liệu; nguồn thu từ đấu giá không đạt kế hoạch; công tác phối hợp giữa các sở, ngành… cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân 6 tháng đầu năm 2024 của nhiều địa phương.

Bên cạnh những địa phương giải ngân thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước, nhiều địa phương giải ngân khá cao. Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỷ lệ giải ngân của Tỉnh ước đến hết tháng 6 đạt 53,93% kế hoạch năm 2024. Để có được kết quả này, Thanh Hóa đã giao sớm kế hoạch chi tiết năm 2024 cho các chương trình, dự án; quy định cụ thể các mốc thời gian hoàn thành với từng dự án, chủ đầu tư; thành lập 5 tổ công tác do Chủ tịch UBND Tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND Tỉnh làm Tổ trưởng để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời các “nút thắt”, “điểm nghẽn” trong tiến độ thực hiện các dự án. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc, yêu cầu nhà thầu thi công tranh thủ thời tiết thuận lợi, thi công "3 ca 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; gắn trách nhiệm giải ngân vốn năm 2024 các dự án với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư...

Đến hết tháng 6, giải ngân vốn đầu tư công của Thanh Hóa ước đạt 53,93% kế hoạch năm 2024. Ảnh: Nhã Chi
Đến hết tháng 6, giải ngân vốn đầu tư công của Thanh Hóa ước đạt 53,93% kế hoạch năm 2024. Ảnh: Nhã Chi

Sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất, không chậm trễ, không lãng phí

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã biểu dương những bộ, ngành địa phương giải ngân tốt, đồng thời phê bình các đơn vị giải ngân chậm hơn tỷ lệ chung của cả nước. Thủ tướng cho rằng, những khó khăn, vướng mắc của một số dự án phải kéo dài chưa được giải quyết triệt để. Một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn vướng mắc nhưng chậm được sửa đổi, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất, nhất là về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng; quản lý khoáng sản và vật liệu thông thường... Còn hạn chế trong công tác chuẩn bị dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư; quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý định mức, giá xây dựng, quản lý vật liệu xây dựng thông thường đối với các dự án đầu tư xây dựng; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; công tác đấu thầu và thanh tra, kiểm tra; có nơi xảy ra tình trạng thông thầu, bán thầu. Đồng thời, một số địa phương chưa chủ động, chưa quyết liệt, còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, chưa thể hiện được tinh thần trách nhiệm chính trị cao…

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu cao nhất, mục tiêu giải ngân trên 95% số vốn đã phân bổ của năm 2024, với tinh thần "5 quyết tâm" và "5 bảo đảm".

"5 quyết tâm" gồm: quyết tâm giữ vững kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đẩy lùi tiêu cực; quyết tâm làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng kịp thời gian; quyết tâm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục; quyết tâm đổi mới phương pháp, cách làm, đổi mới sáng tạo, ứng dụng giải pháp công nghệ mới, hiện đại, tăng cường chuyển đổi số; quyết tâm khắc phục bằng được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai.

"5 bảo đảm" gồm: bảo đảm chủ động nguyên vật liệu và điều kiện cần thiết cho các dự án; bảo đảm nhân lực có tâm, có tầm, có trách nhiệm; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, công tác tái định cư, tạo sinh kế cho người dân trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau, nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; bảo đảm quản lý đúng quy định, không kéo dài, đội vốn, gây thất thoát vốn; bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh vốn đầu tư công là tiền của Nhà nước, của nhân dân, phải sử dụng hiệu quả nhất, không chậm trễ, không lãng phí.

Chuyên đề