5 dự án BOT cầu đường tại TP.HCM: Nhà đầu tư quan tâm khả năng hoàn vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những nội dung quan trọng nhất mà TP.HCM nỗ lực triển khai nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho Thành phố là tận dụng đột phá này để kêu gọi tư nhân tham gia phát triển dự án giao thông trọng điểm. Đặc biệt, ưu tiên hàng đầu hiện nay của Thành phố là chuẩn bị kỹ càng nhất để “mở hàng” bằng 5 dự án BOT giao thông trên tuyến hiện hữu trong số 107 tuyến có thể áp dụng hình thức này.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

5 dự án BOT trên tuyến hiện hữu quy mô 37.000 tỷ đồng

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, 5 dự án BOT trên tuyến hiện hữu đã được Sở “gút” lại gồm: Dự án mở rộng Quốc lộ (QL) 1, Dự án mở rộng QL 13, Dự án mở rộng QL 22, Dự án mở rộng trục Bắc - Nam và Dự án cầu đường Bình Tiên với tổng mức đầu tư 37.000 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Phan Công Bằng cho biết, các dự án ưu tiên áp dụng hình thức BOT trên tuyến hiện hữu đều nằm tại khu vực cửa ngõ của Thành phố, phần lớn là QL hiện hữu vốn đang rơi vào tình trạng quá tải, không đáp ứng được nhu cầu vận tải, lưu thông cho khu vực.

Đầu tiên là tuyến QL 1 (xác định từ đoạn An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An) dài 9,6 km. Hiện nay, Sở GTVT đã đề xuất mở rộng tuyến đường này lên 40 m. Tổng vốn đầu tư khoảng 12.900 tỷ đồng, trong đó dự kiến ngân sách Thành phố tham gia với tỷ lệ 50% và doanh nghiệp 50%.

Tiếp đó, QL 13 vốn là dự án theo hình thức PPP nhưng bị vướng nhiều năm, gây nên quá tải cho giao thông kết nối giữa Bình Dương, Bình Phước vào Thành phố tại địa phận TP. Thủ Đức. Trong khi QL13 tại Bình Dương đã được đầu tư để nâng cấp lên 8 làn xe thì đến cửa ngõ TP.HCM lại ách lại. Dự án dự kiến cần huy động 10.000 tỷ đồng để có thể mở rộng lên 53 - 60 m, trong đó vốn ngân sách Thành phố 50% và doanh nghiệp 50%.

Dự án có mức đầu tư lớn thứ 3 là cầu đường Bình Tiên dài 3,2 km nối trung tâm TP.HCM về huyện Bình Chánh với tổng vốn là 6.218 tỷ đồng.

Kế đến là Dự án mở rộng trục đường Bắc - Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm) dài 7,5 km, dự kiến mở rộng từ 4 lên 10 làn xe, cần huy động kinh phí 4.500 tỷ đồng. Tại dự án này, Thành phố đề xuất ngân sách đầu tư theo tỷ lệ 70%, phần vốn doanh nghiệp chiếm tỷ lệ 30%.

Dự án cuối cùng là mở rộng QL 22 (đoạn từ ngã tư An Sương đến đường Vành đai 3) với chiều dài hơn 9 km (dự kiến mở rộng lên gần 40 m) với tổng mức đầu tư 3.609 tỷ đồng. Dự án này có tỷ lệ vốn là Thành phố đầu tư 67%, doanh nghiệp đầu tư 33%.

Xác định rõ tiêu chí, phân chia rủi ro sòng phẳng với nhà đầu tư

Trong báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, quy mô, tính chất, độ dài tuyến cũng như khả năng huy động vốn cho 5 dự án trên phù hợp với thời gian 5 năm của thời gian thực hiện thí điểm Nghị quyết 98.

Đồng thời, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết, 5 dự án đã xác định rõ 4 tiêu chí để đánh giá và lựa chọn dự án ưu tiên đầu tư. Các tiêu chí này bao gồm: phù hợp với quy hoạch được duyệt cũng như định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội; giải quyết các điểm nghẽn kết nối với các cửa ngõ và đầu mối giao thông quan trọng. Đặc biệt là khả năng huy động vốn từ khối tư nhân vào từng dự án. “Có tới 2 dự án BOT trên tuyến đạt mức điểm theo các tiêu chí cao là Dự án mở rộng QL1 và Dự án cầu đường Bình Tiên, đều ở mức 80/100 điểm trở lên”, ông Lâm chia sẻ.

Hiện Sở GTVT TP.HCM cùng đơn vị tư vấn đang lập danh sách dự án BOT trên tuyến hiện hữu để gửi UBND Thành phố để trình HĐND Thành phố thông qua vào tháng 9 này. Sau đó, dựa vào các tiêu chí nêu trên, Sở sẽ tiếp tục cập nhật các dự án tiếp theo.

Theo nhiều nhà đầu tư dự án hạ tầng giao thông tại TP.HCM, bài toán phù hợp quy hoạch, giải ách tắc giao thông là của Thành phố; còn đối với nhà đầu tư, bài toán hoàn vốn mới quyết định đến tính hấp dẫn của dự án.

Đại diện Tổng công ty Đầu tư và phát triển khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) cho rằng, cần xác định rõ tiêu chí về khả năng hoàn vốn cho nhà đầu tư cũng như thời gian khai thác của dự án. Trong khi đó, ông Lê Quốc Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) cho biết: “Tính khả thi của dự án gắn liền với khả năng hoàn vốn, lợi nhuận, hiệu quả của nhà đầu tư. Đồng thời, hợp đồng là thỏa thuận then chốt và phải đảm bảo đúng tinh thần của pháp luật về PPP hiện hành là phân chia rủi ro, đảm bảo suốt vòng đời của dự án cho cả Thành phố và nhà đầu tư. Tường minh được những tiêu chí này, 5 dự án BOT của Thành phố sẽ rất hấp dẫn nhà đầu tư”.

TS. Trần Du Lịch cho biết, Nghị quyết 98 đã thực sự tạo nên một vận hội mới cho TP.HCM để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư đồng hành phát triển hạ tầng. “Khâu chuẩn bị dự án rất quan trọng. Chúng ta không cần triển khai ồ ạt, mà phải đầu tư, chọn lọc, ưu tiên để triển khai dự án chất lượng, thu hút được nhà đầu tư chất lượng. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cam kết của Thành phố sẽ giúp nhà đầu tư có nhiều dữ liệu để tường minh khả năng hoàn vốn khi tham gia dự án”.

Trong khi đó, Kiến trúc sư Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch Hội Cầu đường TP.HCM cho biết, sau khi xác định rõ tiêu chí lựa chọn, công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư rất quan trọng. Theo đó, khâu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ giúp TP.HCM sàng lọc, đánh giá, lựa chọn được những nhà đầu tư đủ năng lực, thực lực, cam kết đồng hành cùng Thành phố thông qua dự án cụ thể.

Chuyên đề