3 giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn trong triển khai Luật Quy hoạch

(BĐT) - Sáng 15/7, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai thi hành Luật Quy hoạch được diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. Sau khi chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã đưa ra 3 giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực thi.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai thi hành Luật Quy hoạch     Ảnh: Nhật Bắc
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai thi hành Luật Quy hoạch Ảnh: Nhật Bắc

Với trọng tâm là tình hình thực hiện Nghị quyết số 11/NG-CP của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, Hội nghị trực tuyến của Chính phủ dành phần lớn thời gian để các Bộ, ngành và địa phương tập trung thảo luận về các kết quả đạt được trong thực thi các quy định của Luật, nhất là việc triển khai lập các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh của các Bộ, ngành, địa phương; Các vấn đề cần tháo gỡ, thống nhất cách hiểu, cách làm như việc lập quy hoạch nào trước, quy hoạch nào sau giữa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh; Cách hiểu và áp dụng các quy định chuyển tiếp của Luật, nhất là các quy hoạch tích hợp như quy hoạch điện cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh...

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, đây là luật mới, lần đầu tiên được áp dụng, phạm vi luật rất rộng, nhiều nội dung mới, nhiều quy hoạch mới, lần đầu tiên đồng thời áp dụng trong giai đoạn mới 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Phó Thủ tướng khẳng định, đây là lần đầu tiên làm đồng bộ tất cả quy hoạch. Luật Quy hoạch có vai trò vô cùng quan trọng trong định hướng phát triển, dự báo phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm của mỗi địa phương, ngành, đồng thời quản lý đảm bảo cho phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, do thực hiện đồng bộ nên khối lượng lớn, từ 63 tỉnh thành cho đến các bộ ngành, quốc gia đều làm nên cần nguồn lực lớn. Đặc biệt, việc thực hiện Luật Quy hoạch rơi vào thời kỳ có nhiều việc, ở địa phương chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tại Hội nghị cần làm rõ những vướng mắc trong thời gian thực hiện chuyển tiếp khi các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa được lập theo quy định của Luật Quy hoạch, đề xuất giải pháp thực hiện.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, việc ban hành Luật Quy hoạch đã tạo ra khung pháp lý quan trọng nhằm đổi mới phương pháp và nội dung quy hoạch theo hướng tổng hợp, đa ngành, nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ và kém hiệu quả về công tác quy hoạch trước đây. Luật Quy hoạch chính là công cụ để xử lý, giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Đặc biệt, Luật Quy hoạch có ý nghĩa lớn trong việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện,  việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ còn chậm và có những vướng mắc, khó khăn do việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch và còn có cách hiểu chưa thống nhất về một số quy định của Luật.

Vì vậy, việc triển khai thực hiện của các bộ, ngành, địa phương còn nhiều lúng túng, nhất là việc triển khai lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 chưa đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11 và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Bộ KH&ĐT đề xuất các bộ, ngành và địa phương cần triển khai quyết liệt một số giải pháp.

Một là, khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành hướng dẫn và xử lý dứt điểm quy định chuyển tiếp quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. 

Hai là, tập trung triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch để phục điều hành của các bộ, ngành và địa phương, làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong vận hành, khai thác và sử dụng chung, trước mắt để đáp ứng cho nhiệm vụ triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch.

Ba là, đảm bảo kinh phí lập quy hoạch và hướng dẫn các thủ tục thanh quyết toán kinh phí.

Chuyên đề