CPTPP có sự tham gia của 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam. (Ảnh: Internet) |
Theo ông Ngô Chung Khanh, căn cứ theo Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức doanh nghiệp triển khai thực hiện và có báo cáo định kỳ về kết quả thực hiện cũng như các biện pháp cần thiết đảm bảo Kế hoạch được thực hiện hiệu quả.
Các báo cáo gửi về Bộ cho thấy, cơ bản các bộ, ngành và địa phương đều xây dựng kế hoạch của cơ quan mình theo 5 nhóm lĩnh vực chính dựa trên Kế hoạch thực hiện của Chính phủ. Trong đó, các kế hoạch chú trọng vào công tác tuyên truyền về Hiệp định dưới nhiều hình thức khác nhau; tiến hành rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiệp định…
Cập nhật tình hình sửa đổi pháp luật để phù hợp với Hiệp định của Bộ Công Thương, ông Khanh cho hay, thời gian qua, Bộ đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định có hiệu lực ngày 8/3/2019. Mặc dù có hiệu lực sau thời điểm Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam (14/1/2019), nhưng Thông tư số 03/2019/TT-BCT có điều khoản quy định về chuyển tiếp cho phép doanh nghiệp được cấp C/O hồi tố để được hưởng các ưu đãi về thuế theo Hiệp định trong thời gian từ ngày 14/1/2019 đến ngày 8/3/2019. Cùng với đó, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính xây dựng hồ sơ Dự thảo Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ. Hiện tại, Chính phủ đang chuẩn bị hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt. Ngoài ra, Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng và sớm hoàn tất các văn bản pháp luật ở cấp nghị định và thông tư trong lĩnh vực cạnh tranh, phòng vệ thương mại để hướng dẫn thực hiện Hiệp định...