Minh bạch quản lý tài sản nhà nước

(BĐT) - Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến. Đề xuất thành lập một cơ quan chuyên trách để quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ xóa bỏ những sơ hở, yếu kém trong công tác này.
Vốn và tài sản nhà nước chưa được sử dụng hiệu quả là do cơ chế quản lý, giám sát chủ sở hữu nhà nước còn nhiều sơ hở, yếu kém. Ảnh: Lê Tiên
Vốn và tài sản nhà nước chưa được sử dụng hiệu quả là do cơ chế quản lý, giám sát chủ sở hữu nhà nước còn nhiều sơ hở, yếu kém. Ảnh: Lê Tiên

Tài sản nhà nước chưa được sử dụng hiệu quả

Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), hiện ở nước ta, giá trị vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh còn rất lớn. Theo Báo cáo của Bộ Tài chính năm 2015, tính riêng 781 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã có tổng giá trị tài sản là 3.105 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước là 1.233 nghìn tỷ đồng. Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014, tổng giá trị tài sản của các DNNN và DN có trên 50% sở hữu nhà nước đạt 5.408,4 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các DN này thời gian qua chưa hiệu quả, trong đó có nguyên nhân quan trọng là thể chế, cơ chế quản lý, giám sát chủ sở hữu nhà nước có nhiều sơ hở, yếu kém.

Tờ trình Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước do CIEM soạn thảo cũng chỉ rõ: Thực trạng quản lý và hoạt động của DNNN cho thấy, việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước một cách chia tách, phân tán làm cho Nhà nước, với tư cách là chủ sở hữu, chưa thực hiện đầy đủ, hiệu quả và hiệu lực tất cả các quyền chủ sở hữu của mình tại DN, đồng thời, không phải là người chịu trách nhiệm về kết quả và hiệu quả đầu tư, kinh doanh của DN. Vì vậy, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư nhà nước, của cơ quan và cá nhân được phân công thực hiện quyền chủ sở hữu tại DN rất thấp.

Thêm vào đó, ông Phạm Quốc Trung, Phó Trưởng ban Ban DN thuộc CIEM cho biết, Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN đã hết hiệu lực do không còn căn cứ pháp luật. “Việc hoàn thiện pháp luật về vấn đề này là cần thiết nhằm xác định rõ vai trò và trách nhiệm giải trình của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với tài sản và hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh” – ông Trung nhấn mạnh. 

Thành lập một cơ quan chuyên trách

Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan và cá nhân được phân công thực hiện quyền chủ sở hữu tại DN rất thấp
Trước yêu cầu của thực tiễn cũng như tham khảo kinh nghiệm của thế giới về vấn đề này, tại Dự thảo Nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN nhằm xóa bỏ sơ hở, yếu kém trong công tác này thời gian qua.

Ủy ban sẽ giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các DN; tập trung nguồn vốn nhà nước đang đầu tư tại DN để đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực chiến lược, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế; thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Với đề xuất này, ông Trung cho rằng, việc thành lập cơ quan chuyên trách sẽ tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước tập trung năng lực và nguồn lực của mình để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước ngày càng phức tạp và nặng nề trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Tán thành quan điểm trên, tại cuộc Đối thoại chính sách với chủ đề: “Những khó khăn, thách thức trong thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước” do CIEM tổ chức mới đây, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, cần thiết có một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu để tách bạch chức năng chủ sở hữu của Nhà nước ra khỏi chức năng quản lý hành chính nhà nước, giúp DN yên tâm sản xuất kinh doanh. “Có như vậy DN mới có thể tận dụng thời cơ phát triển sản xuất, kinh doanh và có trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước về hiệu quả đầu tư của mình” - đại diện EVN nói.

Cho ý kiến về nội dung này, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bày tỏ: “Trên thực tế, quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp khó khăn do DN thường xuyên gặp phải các mệnh lệnh hành chính mà khó lòng không thực hiện”. Do đó, vị đại diện Tổng công ty Đường sắt bày tỏ mong muốn cần có cơ quan chuyên nghiệp điều hành lĩnh vực kinh doanh tách ra khỏi cơ quan hành chính, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng cho tất cả các DN.

Chuyên đề