Ngân hàng nhỏ “dắt mũi” các ông lớn

(BĐT) - Vài tuần sau khi các nhà băng cổ phần đẩy lãi suất huy động dâng cao, những ngân hàng lớn cũng "tham chiến" nhưng vẫn lấy lý do để giành lại khách hàng chứ không phải vì mất cân đối vốn.
Nhiều dấu hiệu cho thấy lãi suất ngân hàng có thể vẫn tiếp tục tăng. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều dấu hiệu cho thấy lãi suất ngân hàng có thể vẫn tiếp tục tăng. Ảnh: Lê Tiên

Tăng lãi suất, thủ phạm là ngân hàng nhỏ?

Trung tuần tháng 3, sau một thời gian "án binh bất động", quan sát các ngân hàng cổ phần đua lãi suất, các ông lớn quốc doanh mới chính thức vào cuộc. Nếu như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tăng mạnh lãi suất (qua 3 lần điều chỉnh) trong hơn một tháng qua thì Vietcombank cũng phải hai lần điều chỉnh. Tương tự, VietinBank từ đầu năm tỏ ra không mấy hào hứng với cuộc đua này, đến cuối tháng 3 cũng phải điều chỉnh. Agribank thậm chí còn rục rịch tăng lãi suất từ trước đó. Trao đổi với Báo Đấu thầu, giám đốc phụ trách ban nguồn vốn của một ngân hàng quốc doanh cho biết, dù thanh khoản của hệ thống không hề căng thẳng, ngân hàng này vẫn phải tăng lãi suất phần lớn vì giữ chân khách hàng. "Trên hội sở, chúng tôi vẫn điều hành theo trần lãi suất nhưng ở cấp chi nhánh, nếu có trường hợp bị cướp khách quá nhiều từ các ngân hàng cổ phần, các đơn vị có thể phải điều chỉnh một chút để giữ khách", vị này nói.

Thực tế, giám đốc chi nhánh ở Hà Nội của một ngân hàng quốc doanh kể, trước khi được hội sở "bật đèn xanh" tăng lãi suất huy động, ông luôn trong trạng thái "nhấp nhổm" và "tức anh ách" vì liên tục chứng kiến khách bỏ sang ngân hàng khác vì lãi suất cao hơn hẳn. "Bình thường, khi chưa có cuộc đua này, chênh lệch lãi suất giữa nhóm quốc doanh và cổ phần đã hơn 1% rồi, nay một số ngân hàng đua quá mạnh tay nên có kỳ hạn mà họ bỏ xa chúng tôi tới 2 - 2,5% thì mất khách là dễ hiểu", ông nói.

Trong khi các ông lớn vẫn "đổ" cho các nhà băng cổ phần là thủ phạm khiến họ phải tăng lãi suất chứ không phải do thanh khoản thì giới chuyên gia lại cho rằng lý do không hẳn vậy. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dù nguồn vốn của họ dồi dào hơn khối cổ phần nhưng tỷ lệ cho vay trên huy động của họ lại cao hơn. "Đáng lý tỷ lệ này phải thấp hơn và ngược lại với hiện nay mới đúng. Do đó, nói họ thừa thanh khoản thì không thuyết phục", ông Hiếu nói.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động có thể còn tăng thêm 1%, lãi suất cho vay thêm 1 - 2% và dù là ngân hàng lớn hay nhỏ, vẫn phải chuẩn bị "chạy" để chuẩn bị được nguồn vốn cho vay. 

Lãi suất méo mó

Bất luận lý do các ông lớn tham gia “chạy đua” là gì, theo giới chuyên môn, hiện tượng này vẫn hé lộ sự méo mó của thị trường xoay quanh câu chuyện lãi suất. Phó phòng phụ trách tín dụng doanh nghiệp lớn của một nhà băng còn đề cập tới mối lo xuất hiện những doanh nghiệp "ăn" trên lưng ngân hàng, hưởng lợi nhờ cuộc đua lãi suất chưa kết thúc. "Điển hình là những doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty VIP. Họ vốn được vay với lãi suất siêu rẻ nên cũng có tình trạng vay chỗ rẻ rồi chuyển cho vợ con gửi sổ tiết kiệm ở những nhà băng cổ phần lãi suất đang rất cao", vị này nói.

Tuy nhiên, những trường hợp này, theo tổng giám đốc một ngân hàng, nếu có là không phổ biến. "Các ngân hàng cũng đủ tỉnh táo để nhìn ra điều đó. Nếu vay được như vậy thường chỉ trong một kỳ, một giao dịch và không có lần thứ hai", vị này nói.

Từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động có thể còn tăng thêm 1%, lãi suất cho vay thêm 1 - 2% và dù là ngân hàng lớn hay nhỏ, vẫn phải chuẩn bị "chạy" để chuẩn bị được nguồn vốn cho vay. 
Một chuyên gia thì nói: "Những việc này đã xảy ra trong quá khứ rồi. Từ bao năm nay, nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn lợi dụng vị thế để vay lãi suất thấp, qua cách này hay cách kia rồi gửi ngân hàng hưởng lãi suất cao. Tuy nhiên, nếu ngân hàng để xảy ra việc này thì đó là lỗi của họ bởi khi cho vay phải kiểm chứng mục đích sử dụng vốn rõ ràng".

Một méo mó khác xảy ra đối với chính sách lãi suất gửi ngoại tệ. Trước việc gửi USD không được hưởng phí, nhiều khách hàng đã nghĩ ra những mẹo riêng để hưởng lợi. Theo đó, họ sẽ chấp nhận gửi tiền USD không hưởng lãi rồi dùng sổ tiết kiệm này để vay tiền đồng với lãi suất thấp. Sau đó, họ sẽ tìm ngân hàng có lãi suất huy động cao hơn gửi vào hưởng chênh lệch và đợi tỷ giá tăng.

Giới lãnh đạo ngân hàng thì cho rằng, điều này hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng là với trường hợp khách hàng cầm cố sổ để vay ngân hàng này, sau đó gửi tiết kiệm ngân hàng khác. Còn thực hiện cùng một nghiệp vụ trong một ngân hàng thì hiếm gặp hơn.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM - Nguyễn Hoàng Minh cũng xác nhận, hiện nay đang xuất hiện tình trạng một số cá nhân mang USD gửi ngân hàng với lãi suất 0%, sau đó lấy sổ tiết kiệm ngoại tệ này đi vay tiền đồng với lãi suất khá thấp, tầm 5 - 6% một năm. Từ số tiền này, người dân lại gửi tiếp vào ngân hàng hưởng lãi suất tiền gửi VND 7 - 8% một năm.

Chuyên đề