Khai thông nguồn lực đất đai cho phát triển

(BĐT) - Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Luật Đất đai năm 2013 đang có một số bất cập, không đồng bộ với các luật khác dẫn tới không rõ trách nhiệm trong quản lý, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất theo pháp luật về đấu thầu và đấu giá quyền sử dụng đất. 
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet

Do đó, bộ này đang có định hướng sửa đổi Luật nhằm khắc phục các vướng mắc trên, đồng thời hoàn thiện cơ chế thu hồi đất để đẩy mạnh việc khai thác nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Lúng túng trong thu hồi, giao, cho thuê đất

Tại dự thảo Báo cáo tổng kết tình hình thi hành Luật Đất đai 2013, Bộ TN&MT cho biết, tại nhiều địa phương, việc áp dụng quy định về thu hồi đất, điều kiện để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 còn lúng túng. Nguyên nhân là do vẫn còn thiếu các quy định để xử lý chuyển tiếp giữa Luật cũ và Luật mới về các trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện dự án đầu tư; dự án triển khai tại các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng.

Việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh ở nhiều địa phương vẫn chủ yếu thực hiện theo hình thức chỉ định, mà chưa thực hiện thu hồi đất để đưa ra đấu giá theo quy định.

Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất nhằm mục đích quốc phòng, an ninh và để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và theo hướng thu hẹp các trường hợp Nhà nước thu hồi đất so với trước đây. Tuy nhiên, trên thực tế có trường hợp thực hiện dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng lại không được quy định trong Luật dẫn đến công tác thu hồi đất gặp nhiều khó khăn về tính pháp lý.

Điều 57 của Luật Đất đai quy định cụ thể các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các trường hợp không phải xin phép Nhà nước thì phải đăng ký biến động. Tương tự, các trường hợp đấu giá hay không phải đấu giá quyền sử dụng đất để Nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định tại Điều 118 của Luật Đất đai cũng quy định cụ thể. Điều này dẫn đến những khó khăn, vướng mắc vì pháp luật về đất đai trong quá trình thực hiện có phát sinh thêm các trường hợp nằm ngoài quy định của Luật dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý nhà nước trong việc xét duyệt, ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng đất chính đáng của người sử dụng đất, gây chậm tiến độ thực hiện dự án và không phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đấu thầu. 

Khắc phục vướng mắc

Nhằm tăng nguồn thu từ đất đai phục vụ cho đầu tư phát triển, Bộ TN&MT đang có định hướng sửa đổi một số quy định trong Luật Đất đai năm 2013 về vấn đề thu hồi đất sau khi quy hoạch được công bố, tạo quỹ đất của Nhà nước để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Theo đó, để tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận nhận chuyển nhượng được hết diện tích đất để thực hiện dự án, cần sửa đổi, bổ sung một khoản vào Điều 62 của Luật Đất đai 2013. Hướng sửa đổi, bổ sung sẽ tập trung vào việc các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thực hiện giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, nếu có nhu cầu thì được thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất.

Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung vào Điều 73 quy định về cơ chế xử lý đối với trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận được với chủ sử dụng đất để nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn quyền sử dụng đất để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh.

Bộ TN&MT cũng cho rằng, nên chỉ quy định một chiều các trường hợp chuyển mục đích phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hoặc các trường hợp không phải xin phép), còn lại không phải xin phép (hoặc phải xin phép). Tương tự, chỉ quy định các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất (còn lại không phải đấu giá) hoặc các trường hợp không phải đấu giá (còn lại phải đấu giá) để Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Quy định cụ thể hơn việc giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với các trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; đối với trường hợp giao đất tái định cư đơn lẻ không theo dự án; đối với trường hợp giao đất ở cho người có công nhưng được hưởng chính sách giảm nộp. Bổ sung quy định về giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp trúng thầu dự án có sử dụng đất.

Quy định như trên sẽ đảm bảo được việc trong trường hợp cần sửa đổi, bổ sung các loại đất mà quy định chưa hợp lý hoặc thiếu sót sẽ nhanh chóng sửa đổi, bổ sung trong nghị định.

Chuyên đề