Một thiết kế phối cảnh nhà hát Hoa Sen. (Nguồn ArchDaily) |
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm tuần qua, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố sẽ xây dựng nhiều khu vui chơi giải trí để thu hút khách du lịch, trong đó có dự án nhà hát Hoa Sen trong khu công viên CV1 Cầu Giấy.
Chủ tịch thành phố cho hay, nhà hát Hoa Sen có công suất 2.000 chỗ ngồi, tuy nhiên xung quanh nhà hát đảm bảo cho khoảng 25.000 người có thể vào vui chơi hàng ngày.
Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc, nhà hát Hoa Sen được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hoá và sẽ là nhà hát lớn và hiện đại nhất Thủ đô. Công trình được xây dựng trên diện tích khoảng 4 ha có quy mô 6 tầng, cao 54m được thiết kế như bông sen nổi trên mặt nước. Trong nhà hát có văn phòng, sân trượt băng, khu vui chơi giải trí...
Cùng với nhà hát Hoa Sen, thành phố Hà Nội sẽ dành khu đất 24 ha để xây dựng nhà hát Opera và khu giải trí tại khu vực Đầm Trị (Hồ Tây). Đây cũng là một dự án xã hội hoá có thể khởi công trong năm nay.
Ngay khi dự án nhà hát nổi Hoa Sen được lãnh đạo thành phố Hà Nội phê duyệt, đã có nhiều ý kiến đánh giá trái chiều về thiết kế của dự án này.
Kiến trúc sư (KTS), nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến nói yêu quý bông hoa sen - gần như là biểu tượng của Việt Nam bên cạnh cây tre và lúa nước. “Tôi không chỉ trích đồng nghiệp ở bất cứ quốc gia nào và đồng cảm sâu sắc về sự vất vả của nghề kiến trúc. Từ nhỏ tôi đã hiểu nghệ thuật là sự thăng hoa của hiện thực, chứ không phải là tả thực.
Nếu tả thực thì có rất nhiều công cụ để thực hiện thay nghệ sỹ ví dụ máy ảnh hay máy in 3D. Công trình được thiết kế gần như giống hệt bông hoa sen, có thể đó là sự chiều chuộng dễ dãi của KTS với chủ đầu tư. Chủ đầu tư chấp nhận thì đó là sự chấp nhận dễ dãi với nghệ thuật tạo hình”.
Bên cạnh đó, KTS Đoàn Kỳ Thanh cho rằng công trình này trước hết “xấu” và quá tả thực: “Giả dụ đó là bông sen thật mà to như thế thì làm mất tỉ lệ con người. Nếu có định xây dựng một công trình lấy biểu tượng bông sen phải chứa đựng sự ẩn dụ chứ không thể tả thực như thế. Chỉ sao chép bông hoa một cách thô thiển thì cần gì nghệ thuật hay KTS”.
Ở một diễn biến khác, trong các tháng cuối năm 2017, thành phố đang tập trung xúc tiến các dự án: Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa Sóc Sơn - Hà Nội (420 triệu USD); Dự án Câu lạc bộ Trường đua ngựa Việt Nam (200 triệu USD); Công viên giải trí và trường đua ngựa quốc tế Hà Nội (393 triệu USD); Dự án Trường đua ngựa Chamrvit Hà Nội (360 triệu USD).
Trước đó, trong năm 2016, Hà Nội khởi công bảy công viên, đã hoàn thành Khu Công viên thuộc dự án Tuần Châu, Quốc Oai. Năm 2017, bốn công viên nữa sẽ hoạt động gồm: Công viên hồ điều hòa Mai Dịch; Công viên Nhân Chính; Công viên Khu đô thị mới Dương Nội ký hiệu CX-05; Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang.