DN đấu giá gặp khó khi chuyển đổi

(BĐT) - Theo quy định của Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS), trong thời gian 2 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực, các doanh nghiệp (DN) đấu giá phải tiến hành chuyển đổi thành DN tư nhân hoặc công ty hợp danh. Tuy nhiên, khi tiến hành chuyển đổi, một số DN đã gặp vướng mắc trong quá trình tưởng chừng đơn giản này.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Doanh nghiệp kêu khó

Từ ngày 1/7/2017 đến nay, thực hiện đúng quy định của Luật ĐGTS, nhiều DN (công ty cổ phần, công ty TNHH…) đã tiến hành các thủ tục để chuyển đổi loại hình DN. Tuy nhiên, theo phản ánh, việc thực hiện các thủ tục chuyển đổi này đang gây khó khăn cho DN.

Văn bản mà Cục Thuế TP. Hà Nội gửi Sở Tư pháp Thành phố về việc triển khai thực hiện Luật ĐGTS cho biết, trường hợp DN nhiều ngành nghề được Sở KH&ĐT cấp đăng ký kinh doanh trước ngày 1/7/2017 chuyển đổi toàn bộ sang hoạt động ĐGTS hoặc DN chỉ kinh doanh lĩnh vực ĐGTS nay chuyển đổi theo Luật ĐGTS được Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động thì theo quy định về đăng ký thuế phải thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế cũ và xin cấp mã số thuế mới.

Cục Thuế Hà Nội cũng cho biết, các DN do Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động theo Luật ĐGTS không thực hiện đăng ký DN qua cơ quan đăng ký kinh doanh thì thực hiện thủ tục cấp mã số thuế mới theo quy định tại Thông tư số 95/2016/TT-BTC.

Theo một DN, nếu phải thay đổi mã số thuế thì DN sẽ gặp khó khăn trong thu hồi công nợ, kê khai tài sản cố định, phần mềm chữ ký số, phần mềm bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, việc tham gia lựa chọn tổ chức bán đấu giá của DN tại các đơn vị có tài sản cũng gặp khó khăn trong vấn đề kê khai năng lực, kinh nghiệm (trong đó giấy đăng ký hoạt động của DN do Sở Tư pháp cấp không liên quan đến DN cũ vì khác tên, khác dấu và khác mã số thuế). Như vậy, DN ĐGTS đã hoạt động lâu năm, kinh nghiệm tốt khi thực hiện chuyển đổi sẽ thiệt thòi. 

Cách nào để giữ mã số thuế?

Theo quan điểm của DN nêu trên, Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ĐGTS quy định, DN ĐGTS được Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động kế thừa toàn bộ quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ trong hoạt động ĐGTS của DN ĐGTS thành lập trước ngày Luật ĐGTS  có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, Điều 8 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký DN quy định, mỗi DN được cấp 1 mã số duy nhất gọi là mã số DN. Mã số này đồng thời là mã số thuế của DN. Mã số DN tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của DN và không được cấp lại cho tổ chức, cá nhân khác. Khi DN chấm dứt hoạt động thì mã số DN chấm dứt hiệu lực.

Điểm d Khoản 1 Điều 5 của Thông tư số 95/2016/TT-BTC quy định, mã số thuế của tổ chức kinh tế, tổ chức khác sau khi chuyển đổi loại hình, bán tặng, cho thừa kế được giữ nguyên.

“Do đó, các DN chỉ hoạt động một nghề là ĐGTS thành lập trước ngày Luật ĐGTS có hiệu lực thi hành khi làm thủ tục chuyển đổi sang loại hình công ty đấu giá hợp danh thì phải được kế thừa và giữ nguyên mã số thuế”, DN này khẳng định.

Luật sư Ngô Thế Thêm, Giám đốc Công ty Luật Doanh Gia cho biết, Luật Doanh nghiệp không có quy định về việc chuyển đổi DN đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp sang luật khác. Cụ thể, Điều 3 Luật Doanh nghiệp nêu, trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của DN thì áp dụng quy định của Luật đó.

Trong khi đó, Luật ĐGTS quy định tại Điều 23 là: “DN ĐGTS được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức DN tư nhân, công ty hợp danh theo quy định của Luật ĐGTS và quy định khác của pháp luật có liên quan; tên của DN đấu giá tư nhân do chủ DN lựa chọn, tên của công ty đấu giá hợp danh do các thành viên thỏa thuận lựa chọn và theo quy định của Luật DN nhưng phải bao gồm cụm từ DN đấu giá tư nhân hoặc công ty đấu giá hợp danh”. Điều 25 Luật ĐGTS quy định: “DN đáp ứng quy định tại Điều 23 của Luật này gửi một bộ hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động ĐGTS đến Sở Tư pháp nơi DN đặt trụ sở và nộp phí theo quy định của pháp luật”.

Do đó, theo Luật sư Ngô Thế Thêm, có thể hiểu, đây chỉ là việc DN ĐGTS chuyển đăng ký hoạt động từ Luật Doanh nghiệp (tại các Sở KH&ĐT) sang đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp, chứ không phải là việc DN chấm dứt hoạt động (chấm dứt hoạt động của người nộp thuế theo Luật Quản lý thuế). Mặt khác, Luật ĐGTS cũng có quy định DN ĐGTS được Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động kế thừa toàn bộ quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ trong hoạt động ĐGTS của DN ĐGTS thành lập trước ngày Luật ĐGTS có hiệu lực thi hành.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư