Phế liệu luôn là mặt hàng khiến ngành hải quan "đau đầu" trong vài năm trở lại đây. |
Ngày 10/5, đại diện Cục Hải quan TPHCM cho biết, tính đến cuối tháng 4/2020, số lượng container phế liệu còn tồn đọng tại các kho bãi ở các cảng trên 90 ngày đã hoàn thành việc kiểm kê, phân loại là hơn 2.100 container. Trong đó, phế liệu chủ yếu nhập qua cảng Cát Lái.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (đơn vị quản lý, giám sát cảng Cát Lái) - Cục Hải quan TPHCM, số lượng phế liệu tồn đọng tại cảng này lên tới l 2.029 container.
Trong số đó, 363 container được cơ quan chức năng khóa trọng điểm do hàng thuộc các chuyên án. 138 container đã được doanh nghiệp mở tờ khai hải quan nhưng không đến làm thủ tục nhận hàng. 1.528 container còn lại được lực lượng hải quan phối hợp với các đơn vị trong hội đồng xử lý hàng tồn đọng thực hiện phân loại để xử lý. Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ số phế liệu đã được phân loại xong với 70% là phế thải.
Cụ thể, trong số 1.528 container phế liệu được đưa vào phân loại, hải quan kiểm tra, xác định có đến 1.100 container phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu theo các quy định hiện hành. Số phế liệu này chủ yếu là màng nhựa, bao bì các loại chưa băm cắt lẫn tạp chất, vỏ xe cũ, rác thải... có mùi hôi thối, dơ bẩn.
Ngoài ra, 410 container phế liệu đủ điều kiện nhập khẩu (phế liệu thải loại trong quá trình sản xuất nhựa); 6 container không phải là phế liệu...
Phế liệu tồn đọng chủ yếu tại cảng Cát Lái (TPHCM).
Chính vì vậy, Hội đồng xử lý hàng tồn đọng Cát Lái đang yêu cầu các hãng tàu vận chuyển số phế liệu trên phải có trách nhiệm tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Hiện đã xác định có hơn 10 hãng tàu tham gia vận chuyển số phế liệu không đạt chất lượng nhập khẩu nói trên.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, hàng ngàn container phế liệu này được nhập khẩu ồ ạt về cảng Cát Lái vào nửa đầu năm 2018.
Nhiều trường hợp nhập khẩu phế liệu nhưng chưa được cấp “Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất” dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng đã về đến cảng Cát Lái nhưng chưa thể làm thủ tục nhập khẩu được.
Một số doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế hoặc đã chuyển địa chỉ mà không cập nhật.
Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp không có giấy xác nhận hoặc có giấy xác nhận nhưng quá hạn, dùng danh nghĩa, giấy xác nhận của các doanh nghiệp khác để vẫn liên hệ với các hãng tàu đóng hàng về Việt Nam khiến hàng tồn đọng nhiều.
Lượng phế liệu nhập về TPHCM đã có dấu hiệu "hạ nhiệt" khi nhiều cơ quan chức năng vào cuộc.
Trong đó, lực lượng hải quan liên tục thống kê, phân loại tìm chủ sở hữu hoặc có liên quan đến các lô hàng phế liệu. Yêu cầu các doanh nghiệp đến chi cục hải quan xác nhận hoặc xác nhận bằng văn bản chính thức việc làm thủ tục nhận hàng và bổ sung thông tin liên quan.
Theo Cục Hải quan TPHCM, 4 tháng đầu năm 2020, số thu ngân sách nhà nước của đơn vị đạt trên 32.291 tỷ đồng, giảm trên 14% (gần 5.400 tỷ đồng) so với cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, trong tháng 4/2020, các mặt hàng nhập khẩu có thuế qua các cửa khẩu TPHCM đã tăng nhẹ trở lại so với tháng 3, kéo số thu ngân sách cũng tăng trên 2%.
Dự báo, trong tháng 5/2020, số thu ngân sách có thể sẽ khởi sắc do Chính phủ, UBND TPHCM… đã bắt đầu có những chương trình hành động phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, Cục Hải quan TPHCM cũng nhận định, các mặt hàng nhập khẩu có thuế suất cao, như: rượu, bia, hàng tiêu dùng, sắt thép, ô tô, nhiên liệu bay… sẽ tiếp tục giảm, sẽ tác động kéo giảm số thu nhân sách.
Với những đánh giá, dự báo trên, Cục Hải quan TPHCM ước tính số thu ngân sách trong tháng 5 sẽ đạt khoảng 8.800 tỷ đồng, đưa tổng số thu ngân sách của hải quan thành phố trong 5 tháng đầu năm lên 41.100 tỷ đồng, đạt 35,73% chỉ tiêu được giao (115.000 tỷ đồng).