Xuất khẩu gạo thời gian qua tăng. Ảnh: TTXVN |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gạo của cả nước ước đạt 2,8 triệu tấn, với 1,2 tỷ USD, tăng 6,3% về lượng và tăng 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Như vậy, sau một thời gian dài rơi vào trạng thái trầm lắng, xuất khẩu gạo đã có dấu hiệu hồi phục trở lại.
Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 46,5% thị phần. Đứng sau đó Philippines, với 8,6% thị phần.
Theo ông Trần Ngọc Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vinh Phát, sở dĩ xuất khẩu gạo tăng là do trong vài tháng gần đây các doanh nghiệp Việt bán với mức giá quá thấp so với mức bình quân chung của các nước.
Việc Thái Lan giải quyết xong lượng gạo tồn kho khổng lồ kèm theo có nhu cầu nhập khẩu gạo của một số nước đã khiến giá gạo thế giới tăng lên. Tuy nhiên, khi giá gạo của thế giới tăng cao, các doanh nghiệp Việt đã không có đủ thông tin để đẩy giá bán lên theo.
Nhìn lại giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cách đây 2 tháng có thể thấy rõ điều này. Nếu như đầu tháng 5/2016, giá gạo 5% của Việt Nam chào bán chỉ ở mức 350-354 USD/tấn thì gạo Thái Lan đã ở mức 390 USD/tấn, gạo Ấn Độ cũng 388 USD/tấn, Pakistan đã dao động 408-412USD/tấn.
Chính nhờ lợi thế giá bán quá mức “cạnh tranh” này nên gạo Việt được các đối tác nước ngoài tìm mua vào ào ạt, đẩy sản lượng xuất khẩu gạo tăng cao.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho thấy, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017 là trên 440 USD/tấn (giá FOB), tăng 13,2 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, phần lớn mức giá bán tăng rơi vào quý 1/2017, còn từ tháng 4/2017 đến nay, giá bình quân đều thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong tháng 4, giá gạo xuất khẩu bình quân giảm gần 20 USD/tấn trong tháng 4/2017; tháng 5/2017 cũng giảm 11,83 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá gạo trong nước thấp. Ảnh: TTXVN
Mặc dù hiện tại phần lớn các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam có giá bán tương đương với một số nước khác trong khu vực như Ấn Độ, Myanmar, Pakistan… và chỉ thấp hơn Thái Lan khoảng 10-15 USD/tấn.
Tuy nhiên, hậu quả của việc điều chỉnh giá bán quá chậm này là hợp đồng cung ứng 120.000 tấn gạo 5% tấm cho Malaysia chỉ ở mức 356 USD/tấn; hợp đồng đàm phán cung cấp cho Bangladesh có “nhỉnh” hơn một chút nhưng cũng dừng ở mức giá FOB là 370 USD/tấn.
Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) cho biết, căng thẳng nhất hiện nay là giá nguyên liệu trong nước tăng mạnh hơn cả giá xuất khẩu. Nếu như cách đây hơn 1 tháng, giá gạo lức chỉ ở mức 6.200-6.3000 đồng/kg thì nay đã lên 7.200 đồng/kg.
Với mức giá nguyên liệu này, khi doanh nghiệp chế biến ra gạo 5% tấm thì giá thành đã trên 400 USD/tấn, còn gạo 25% tấm cũng đã khoảng 370 USD/tấn.
Nếu doanh nghiệp chào bán quá cao thì không có người mua, còn gom hàng cho hợp đồng tập trung đã ký thì hầu như là thua lỗ.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, sự thiếu hiểu biết thị trường, cung cầu thế giới của cả một ngành hàng xuất khẩu quan trọng đã khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả.
Đáng lẽ, những thông tin như tồn kho gạo Thái Lan cơ bản đã giải quyết xong, Bangladesh thiếu hụt gạo do thiên tai, Philippines nhập khẩu gạo… là tín hiệu quan trọng mà doanh nghiệp phải biết quan sát để định hướng thị trường.
Tình huống này lại đặt ra vai trò của các Tham tán thương mại ở các nước, Bộ Công thương cũng như VFA trong việc cung cấp thông tin định hướng thị trường.
Dù vấn đề không phải lần đầu tiên mới được đề cập tới nhưng trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, vai trò của những cơ quan này cần phải được đặt đúng chỗ để thực sự thúc đẩy ngành phát triển.