Xử lý điểm yếu để hiện thực mục tiêu chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Ngân hàng Thế giới, các quốc gia đang cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu để có ưu thế về công nghệ số. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện rõ mong muốn tham gia cuộc đua bằng cách coi chuyển đổi số là một trong những mục tiêu trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Tuy nhiên, để hiện thực hóa những mục tiêu về chuyển đổi số, Việt Nam cần vượt qua một số thách thức lớn.
Số lượng doanh nghiệp Việt Nam áp dụng công cụ và nền tảng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh ngày càng nhiều. Ảnh: Lê Tiên
Số lượng doanh nghiệp Việt Nam áp dụng công cụ và nền tảng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh ngày càng nhiều. Ảnh: Lê Tiên

Theo ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025 là kinh tế số đóng góp 20% GDP, 100.000 doanh nghiệp công nghệ số, Việt Nam sẽ là nơi tốt nhất trong khu vực để các doanh nghiệp số tới kinh doanh và thành công, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số.

Nhắc đến mục tiêu đứng trong nhóm 50 quốc gia đi đầu về phát triển công nghệ thông tin ngay từ năm 2025 của Chính phủ Việt Nam, ông Jacques Morisset - chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho rằng, hiện nay Việt Nam đang có vị thế tương đối tốt để đạt được những mục tiêu về chuyển đổi số nền kinh tế, nhưng cần tận dụng sức mạnh của mình và thu hẹp khoảng cách với các đối thủ cạnh tranh phần lớn là nước vừa giàu có hơn, vừa có lực lượng lao động trình độ cao hơn.

Về điểm mạnh, so với một số quốc gia tương đương và đi trước, hiện Việt Nam là một trong những quốc gia được kết nối tốt nhất trên thế giới, nhất là khi xét đến mức thu nhập, tỷ lệ sử dụng thiết bị di động và Internet cao, số lượng doanh nghiệp áp dụng công cụ và nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) trong sản xuất, kinh doanh ngày càng nhiều. Việt Nam đã có sự hiện diện của một số tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số của Việt Nam đã được tăng tốc bởi cú sốc Covid-19, thương mại và dịch vụ được số hóa mạnh mẽ để ứng phó với các đợt giãn cách xã hội. Trong năm 2020, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất trong khu vực Đông Á. Bên cạnh đó, từ tháng 2/2020 đến tháng 4/2021, số lượng dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ tăng gấp 10 lần, tuy rằng xuất phát điểm còn thấp…

Tuy nhiên, chuyên gia của WB cũng chỉ ra Việt Nam kết nối trên diện rộng và giá rẻ, nhưng chậm và đi sau về thanh toán điện tử. Lực lượng lao động của Việt Nam còn thiếu những kỹ năng cần thiết để hoàn toàn làm chủ kinh tế số. Thiếu một khung pháp lý hợp nhất về công nghệ số dẫn đến ban hành quy định manh mún, khung thể chế phục vụ chuyển đổi số ở Việt Nam còn quá cồng kềnh. Đổi mới sáng tạo đang trỗi dậy nhưng chưa tinh sâu. Khảo sát doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ của WB năm 2020 cho thấy ứng dụng công nghệ mới vẫn chỉ ở giai đoạn khởi đầu ở Việt Nam. Chỉ có 6% các doanh nghiệp sử dụng điện toán đám mây cho các nhiệm vụ của doanh nghiệp và dưới 2% sử dụng dữ liệu lớn hoặc trí tuệ nhân tạo phục vụ hoạt động marketing. Mức độ đổi mới sáng tạo công nghệ số còn thấp trong khu vực tư nhân được lý giải bởi nhu cầu hạn chế của doanh nghiệp, hỗ trợ chưa đầy đủ của Chính phủ và các doanh nghiệp số còn chưa phát triển.

“Nếu những thách thức này không được các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam khẩn trương xử lý thì sẽ dẫn đến rủi ro là lợi ích từ áp dụng công nghệ số sẽ không lớn như kỳ vọng và trên hết, sẽ được phân bố không công bằng, có thể dẫn đến những căng thẳng về kinh tế - xã hội và chính trị”, ông Jacques Morisset nhận định. Đồng thời, WB khuyến nghị một lộ trình gồm ba hành động chính: nâng cao kỹ năng số; bồi dưỡng năng lực đổi mới, sáng tạo; thúc đẩy khởi nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp nhỏ trong ngành công nghệ số với các hỗ trợ có mục tiêu để tạo điều kiện tiếp cận tài chính, thông tin và phát triển kỹ năng tốt hơn.

Nói về giải pháp của Việt Nam, ông Hoàng Anh Tú chia sẻ thêm, Chính phủ đặc biệt quan tâm vấn đề làm sao để doanh nghiệp tư nhân tham gia vào nền kinh tế số một cách nhanh chóng. Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp công nghệ số, là những doanh nghiệp cung cấp các nền tảng để chuyển đổi nền kinh tế - xã hội, chuyển đổi doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số. Những chính sách hỗ trợ mới sẽ được xây dựng, như các chính sách sandbox, để mang lại lợi thế cạnh tranh mới, thay vì chỉ có những chính sách truyền thống đơn thuần là ưu đãi đất đai, nhân lực giá rẻ

Chuyên đề