Ảnh minh họa: Tường Lâm |
Cần quy định rõ trách nhiệm cá nhân
Tại buổi làm việc ngày 13/3 của UBTVQH về dự thảo nghị quyết này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: “Việc ban hành nghị quyết này là cần thiết và thực hiện theo chủ trương của Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều nội dung tại Dự thảo Nghị quyết cần được làm rõ hơn, cần rà soát chặt chẽ để tránh bị lợi dụng. Do đó, nghị quyết này sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 năm nay”.
Báo cáo thẩm tra gửi UBTVQH về Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội cho rằng, đây là nghị quyết đặc thù, nhạy cảm, với các chính sách được ban hành chưa được quy định trong Luật Quản lý thuế hiện hành, có phạm vi rộng, tác động khá lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước, sự công bằng giữa các đối tượng, tâm lý của người nộp thuế và tính nghiêm minh của pháp luật về thuế. Do đó, cần rà soát, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thận trọng.
Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị UBTVQH cho phép bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội và giao Chính phủ, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nghị quyết này để trình Quốc hội xem xét, quyết định vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), đồng thời nghiên cứu bổ sung một số nội dung.
Đó là nội dung về phạm vi, đối tượng điều chỉnh; tiêu chí, nguyên tắc xử lý nợ thuế; thời gian xóa nợ tiền chậm nộp hoặc tiền phạt chậm nộp.
Bên cạnh đó là trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc giám sát thực hiện nghị quyết này, và Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán việc thực hiện nghị quyết này bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, Nghị quyết cần nghiên cứu kỹ quy định trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc xem xét, quyết định xử lý tiền nợ thuế theo nghị quyết này.
Mặt khác, ngoài việc chịu trách nhiệm công vụ theo Luật Cán bộ công chức, cần quy định rõ trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền quyết định xóa nợ và người đề xuất xóa nợ tiền thuế không đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị, cần cân nhắc việc xử lý tiền nợ thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước, vì hiện đang trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, đề nghị Chính phủ bổ sung bảng biểu, số liệu về tình hình nợ thuế, cụ thể phân loại theo hình thức sở hữu (hộ cá thể, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI…); theo thẩm quyền xóa nợ thuế (Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan; Chủ tịch UBND cấp tỉnh); theo đối tượng xóa nợ (tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp…)…
Phải công khai và công bằng
Nêu ý kiến về dự thảo này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu thông qua toàn bộ nội dung của Dự thảo Nghị quyết thì số tiền xoá có thể hơn 31.000 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD, nên cần phải xem xét rất thận trọng.
“Đối tượng nào, mức độ nào, hợp lý hay không? Trách nhiệm của người nợ thuế, người thu thuế như thế nào? Vì sao lại để nợ thuế? Tác động của chính sách này với việc quản lý thuế? Có thể dẫn đến việc bị lợi dụng không? Có thể chỉ giảm cho những đối tượng chấp hành tương đối đủ, nhưng gặp trường hợp bất khả kháng, không giảm cho người vi phạm quy định. Đây là những nội dung cần làm rõ tại nghị quyết này”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ.
Cũng theo ông Phùng Quốc Hiển, việc thu thuế, xử phạt, xoá nợ thuế có tính chất thường xuyên và bình thường ở các nước. Do đó, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét xoá nợ thuế là đúng thẩm quyền, đúng quy định.
“Vài năm gần đây, tỷ lệ nợ đọng thuế vượt quá hướng phấn đấu 5% của ngành và đã lên tới 7%, dù ngành thuế đã rất nỗ lực. Tuy việc xoá nợ thuế, tiền phạt, xử phạt thuế là thường xuyên, ở các nước cũng vậy, nhưng phải xem xét thận trọng, nghiêm túc, công khai, công bằng và đúng pháp luật. Phải thận trọng, tránh ảnh hưởng đến các chính sách liên quan như tín dụng, vay nợ. Tránh bị lạm dụng, tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tiếp tục trốn thuế”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.