Trước đây, với mặt hàng thép, cà phê, bông, mỗi lần DN muốn đưa lên giao dịch qua sàn thì phải xin phép Bộ Công Thương |
Bãi bỏ nhiều quy định không còn phù hợp
Theo Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH (NĐ158) đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Kể từ khi đi vào hoạt động, tổng giá trị các hợp đồng qua SGDHH đạt gần 8.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là giao dịch đối với mặt hàng cà phê. Hoạt động của các SGDHH hóa tại Việt Nam chưa sôi động và tương xứng với tiềm năng kinh tế.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực SGDHH, Nghị định số 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2016 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH (NĐ51) đã được Bộ Công Thương xây dựng, trình Chính phủ ban hành ngày 9/4/2018 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ158 đã không còn phù hợp.
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, bên cạnh việc kế thừa, phát huy những quy định đã đi vào ổn định và phù hợp với thực tế của các văn bản đã ban hành, NĐ51 “cởi trói” cho DN khi giảm tối đa các thủ tục hành chính, quan trọng nhất là xóa bỏ cơ chế xin - cho. Đơn cử, trước đây, với mặt hàng cà phê, bông, thép, mỗi lần DN muốn đưa lên giao dịch qua sàn thì phải xin phép Bộ Công Thương. Có mặt hàng Bộ Công Thương phải họp tới 3 - 4 tháng nhưng vẫn không cấp phép giao dịch. Tuy nhiên, NĐ51 sẽ giảm thiểu những bất cập này, những mặt hàng Nhà nước không cấm và không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện thì DN được quyền kinh doanh không phải xin phép.
Thông tin thêm về một số điểm mới khác của NĐ51, bà Lê Thị Nhàn, Vụ Pháp chế thuộc Bộ Công Thương cho biết, NĐ51 sửa đổi nhiều quy định của NĐ158. Đơn cử, về khái niệm “Lệnh giao dịch”, nếu như NĐ158 chỉ ghi nhận lệnh giao dịch bằng văn bản thì NĐ51 quy định mở rộng các hình thức có giá trị tương đương văn bản như điện báo, fax… của khách hàng nhằm thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa qua SGDHH.
Về điều kiện thành lập SGDHH, NĐ51 không quy định vốn pháp định, chỉ quy định vốn điều lệ để phù hợp với Luật DN 2014, đồng thời bãi bỏ điều kiện về người lãnh đạo SGDHH. Thêm nữa, nghị định mới cũng không quy định các thông tin của thành viên hoặc cổ đông sáng lập SGDHH trên giấy phép thành lập SGDHH.
NĐ51 cũng bãi bỏ các quy định về tổng hạn mức giao dịch hàng hóa, hạn mức giao dịch của thành viên cũng như quyền của SGDHH trong việc quy định hạn mức giao dịch…
Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tới 49% vốn điều lệ
Quy định mới này là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác, kinh doanh, nhưng vẫn khẳng định được tính tự chủ và việc quản lý của cơ quan nhà nước. Đồng thời qua đó giúp các hoạt động giao dịch hàng hóa phát triển vượt bậc.
Đây là một trong những bước đột phá đối với hoạt động mua bán hàng hóa cam kết qua SGDHH của Việt Nam, bởi đến nay Việt Nam chưa có cam kết quốc tế đối với dịch vụ này. NĐ158 cũng chưa có quy định về mua bán hàng hóa qua SGDHH tại nước ngoài. NĐ51 cho phép mọi giao dịch qua SGDHH được liên thông với SGDHH nước ngoài và ngược lại, các SGDHH nước ngoài cũng được phép liên thông và mua bán qua SGDHH tại Việt Nam.
“Điều này rất có ý nghĩa với các DN và nhà đầu tư Việt Nam, bởi các nhà đầu tư Việt Nam có thể qua SGDHH Việt Nam để mua bán hàng hóa với nước ngoài, qua đó mở rộng quyền kinh doanh của DN”, ông Nguyễn Lộc An nói.
Quan trọng hơn, theo ông An, thông qua các sàn giao dịch, nhà sản xuất không bị thương lái ép giá, tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng trong nước sản xuất được.