Xây lắp Trường Sơn kỳ vọng vào các gói thầu xây lắp điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kỳ vọng vào việc đẩy mạnh đầu tư lưới truyền tải trong thời gian tới, Ban lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Trường Sơn đang tìm hướng huy động vốn trên thị trường chứng khoán để tham gia các gói thầu xây lắp điện, vốn đang cạnh tranh rất khốc liệt.
Nguồn: Báo cáo tài chính của Xây lắp Trường Sơn; Đvt: tỷ đồng
Nguồn: Báo cáo tài chính của Xây lắp Trường Sơn; Đvt: tỷ đồng

Kỳ vọng vào mảng xây lắp điện

Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào ngày 5/1/2024, Ban lãnh đạo Trường Sơn cho biết, theo Quy hoạch điện VIII, sản lượng điện thương phẩm dự kiến tăng trưởng 11%/năm trong giai đoạn 2022 - 2025 và 9% trong 5 năm tiếp theo. Do vậy, Công ty sẽ được hưởng lợi trung hạn khi nhu cầu xây lắp lưới truyền tải cao và chính sách gia tăng đầu tư công của Chính phủ. Trong 2 tháng cuối năm 2023, Công ty đã ký 6 hợp đồng xây lắp đường dây điện như Dự án Cấp điện Cà Mau giá trị 66 tỷ đồng, Dự án Cấp điện Bình Dương (50 tỷ đồng), Đường dây 220kV Phả Lại - Bắc Giang (40 tỷ đồng), Dự án Cấp điện Đông Anh (40 tỷ đồng)… Trường Sơn dự kiến doanh thu từ mảng xây lắp điện trong năm 2024 sẽ tăng gấp đôi so với năm 2023 và tăng trưởng 30% trong năm 2025. Doanh thu mảng sản xuất cọc, cột bê tông ly tâm dự ứng lực dự kiến tăng trưởng 15% và 20% trong năm 2024 và 2025. Tổng doanh thu năm 2024 dự kiến từ 500 - 600 tỷ đồng.

Lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Trường Sơn cho biết, Công ty đang làm thủ tục đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM, dự kiến vào quý II/2024. Với việc trở thành công ty đại chúng và giao dịch trên thị trường chứng khoán, HĐQT kỳ vọng sẽ huy động thêm nguồn lực mới để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Tại Đại hội đồng cổ đông, phương án chào bán 3,5 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/CP để thu về 35 tỷ đồng đã được thông qua. Trong đó, 17,5 tỷ đồng dùng để thanh toán tiền vay ngân hàng, số còn lại bổ sung vốn lưu động.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Xây lắp Trường Sơn đạt 585,8 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 213 tỷ đồng, tương đương 36,3%. Năm 2023, dù doanh thu giảm 21,3% so với năm 2022, đạt 369,2 tỷ đồng, nhưng nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện, tăng từ 9,4% lên 11,5% và chi phí hoạt động (chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp) giảm từ 30,8 tỷ đồng xuống còn 20,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của Công ty đã tăng hơn gấp đôi năm 2022, đạt 13 tỷ đồng.

Cạnh tranh khốc liệt tại các gói thầu xây lắp điện

Xây lắp Trường Sơn đang đẩy mạnh tham gia các gói thầu xây lắp đường dây điện. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực có sự cạnh tranh rất lớn.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều gói thầu xây lắp điện, Xây lắp Trường Sơn trong cả vai trò thành viên liên danh và nhà thầu độc lập đã không thể thắng thầu do mức giá dự thầu kém cạnh tranh so với đối thủ, như tại Gói thầu số 53 Xây lắp đường dây đoạn tuyến từ VT151 đến VT165 (bao gồm VT165) có giá dự toán hơn 57,3 tỷ đồng, Gói thầu số 50 Xây lắp đường dây đoạn tuyến từ VT121 đến VT131 (68,1 tỷ đồng), thuộc Dự án Đường dây 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối, hay tại Gói 5 Cung cấp, xây dựng và lắp đặt vật tư thiết bị (Gói PC) có giá gần 70 tỷ đồng, thuộc Dự án Lộ ra 110kV từ trạm 220kV Phước Long (2 mạch).

Đầu năm 2024, trong vai trò thành viên liên danh, Xây lắp Trường Sơn trúng Gói thầu số 52 Xây lắp đường dây đoạn tuyến từ VT141 đến VT151 (bao gồm VT151), thuộc Đường dây 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối với giá gần 81,3 tỷ đồng; Gói 09.2-TBHT Cung cấp và xây dựng, lắp đặt vật tư thiết bị đường dây và ngăn lộ trạm biến áp, bao gồm tính toán trị số chỉnh định rơle, lập phương thức đóng điện, vận hành và xử lý sự cố, hệ thống camera giám sát, phòng cháy chữa cháy trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (trụ 162 đến cột cổng TBA 110kV Hà Tiên), thuộc công trình Đường dây 110kV Tịnh Biên - Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang với giá gần 114 tỷ đồng.

Hiện Xây lắp Trường Sơn đang tham gia cạnh tranh tại một số gói thầu. Đơn cử, Gói thầu Thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị trạm biến áp, tuyến đường dây giai đoạn 2 có giá hơn 114 tỷ đồng (thuộc Dự án Trung tâm Kỹ thuật Viettel Hòa Lạc); Gói thầu 01 Xây lắp và vật tư thiết bị có giá hơn 40 tỷ đồng (thuộc Dự án 2 công trình xuất tuyến 22kV sau trạm biến áp 110kV Hòa Mạc và 2 công trình giảm tổn thất điện năng trên địa bàn huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam); Gói thầu số 55 Xây lắp đường dây đoạn tuyến từ VT179 đến VT190 (bao gồm VT190) có giá hơn 73 tỷ đồng (thuộc Đường dây 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối); Gói 04-BCCT Cung cấp, xây dựng và lắp đặt vật tư thiết bị công trình Đường dây 110kV trạm 220kV Bến Cát - trạm 220kV Chơn Thành có giá hơn 105 tỷ đồng (thuộc Dự án Công trình đường dây 110kV trạm 220kV Bến Cát - trạm 220kV Chơn Thành)…

Chuyên đề