Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh, giai đoạn 2017-2020

Chiều 8/11, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị chuyên đề góp ý Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Theo Đề án, tầm nhìn về đô thị thông minh Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 “Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị”.

Đề án hướng tới 4 mục tiêu tổng quát, gồm: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.

Để đạt được các mục tiêu trên, đề án triển khai nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố; xây dựng trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố; xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh; thành lập Trung tâm an toàn thông tin thành phố.

Cùng với đó, đề án chú trọng xây dựng Khung công nghệ thông tin và truyền thông cho đô thị thông minh của thành phố. Khung này cung cấp kiến trúc tổng quan về công nghệ, đảm bảo tuân thủ định hướng “mở”, cho phép liên thông, chia sẻ hạ tầng, cơ sở dữ liệu, tích hợp thiết bị, giải pháp của nhiều nhà cung cấp và sử dụng chung các công cụ phân tích dữ liệu, tương tác với người dùng. Bên cạnh đó, đề án cũng chú trọng tới nhóm giải pháp khuyến khích sự tham gia của người dân.

Chia sẻ về sự cần thiết xây dựng Đề án này, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với đặc thù là đô thị đặc biệt, thành phố đối mặt với nhiều thách thức đồng thời cũng có nhiều mặt thuận lợi, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp để thành phố phát triển đúng tiềm năng và thế mạnh. Trong đó, xây dựng đô thị thông minh là một trong những giải pháp công nghệ góp phần thúc đẩy thành phố phát triển.

Đề án được xây dựng xuất phát từ nhu cầu thực tế, góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết đang đặt ra với thành phố và đó cũng là trách nhiệm của thành phố trong phục vụ người dân tốt hơn.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, đề án mang tính đột phá, đi vào chiều sâu công nghệ, là tổng thể nhiều công đoạn và là quá trình liên tục, tạo sự tương tác ngày càng mạnh mẽ, giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp.

Đề án sẽ tiếp tục được lấy ý kiến góp ý từ các chuyên gia, sở ngành, đặc biệt trong quá trình xây dựng và vận hành Đề án thành phố rất mong người dân quan tâm góp ý, hiến kế để đề án triển khai đạt hiệu quả, qua đó góp phần phục vụ người dân tốt nhất.

Đánh giá cao công tác tác chuẩn bị xây dựng Đề án chặt chẽ, khoa học và khả thi, đúng thời điểm, các đại biểu cho rằng Đề án cần lựa chọn những lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp, “sát sườn” với người dân, như giao thông, ngập nước, quá tải tại các bệnh viện… để triển khai thực hiện ưu tiên.

Trong quá trình xây dựng Đề án, cần đặc biệt chú trọng tới tính liên thông, đồng bộ cơ sở dữ liệu với các bộ ngành trung ương để tạo thuận tiện, giảm bớt các thủ tục hành chính cho người dân khi sử dụng các dịch vụ; xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đủ mạnh để đảm bảo tính thông suốt khi vận hành.

Mặt khác, theo các đại biểu cần chú trọng tuyên truyền sâu rộng tới người dân về Đề án này, bởi dịch vụ tốt nhưng người dân không hiểu và không ứng dụng tối đa các tiện ích thì đề án không thể phát huy hiệu quả; đồng thời, cần chú trọng tới công tác đào tạo nhân lực triển khai đề án.

Để xây dựng và vận hành có hiệu quả Đề án, ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý Ban điều hành Đề án chú trọng công tác điều tra xã hội học và đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân để người dân hiểu và tham gia vào quá trình xây dựng, vận hành đề án. Trong đó, lưu ý về sự đặc thù và đa dạng về điều kiện sống ở thành phố.

Cùng với đó, chú trọng sự kết nối, mở rộng, tính sự đồng bộ cơ sở dữ liệu với các bộ, ngành và sự tương thích sử dụng các thiết bị thông minh; chú trọng phân công, phân cấp trong quá trình triển khai đề án; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, sử dựng nguồn nhân lực trong nước và nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật có sẵn để phát huy nội lực; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá thực hiện đề án.

Chuyên đề