Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thông tin đưa ra tại Hội thảo SIB CONNECT - Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) do Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 21/2 chỉ ra rằng, đến nay, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp SIB đã có nhưng còn rời rạc về tính liên kết, chưa đảm bảo các yếu tố cần thiết cho phát triển.
Hội thảo SIB CONNECT - Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội tổ chức ngày 21/2, tại Hà Nội
Hội thảo SIB CONNECT - Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội tổ chức ngày 21/2, tại Hà Nội

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và các doanh nghiệp SIB hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực này với việc tìm hiểu, chia sẻ các thách thức, cơ hội trong quá trình hiện thức hóa các mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu tại khai mạc Hội thảo, ông Phạm Đức Trung - Phó Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, trong công cuộc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp SIB là thành phần rất quan trọng, vừa đóng góp vào phát triển kinh tế, vừa tác động đến xã hội và môi trường thông qua tạo việc làm cho các nhóm yếu thế cũng như cung cấp các sản phẩm cho xã hội.

Tuy nhiên, qua các nghiên cứu gần đây cho thấy, các doanh nghiệp SIB có năng lực quản trị còn hạn chế, khó khăn về tài chính cũng như khó khăn trong thu hút nguồn lao động có chất lượng… Họ phải đối mặt với không ít những rủi ro, thách thức trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, trong khi đó đại dịch Covid-19 cũng tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp SIB.

Nhận thức được vai trò của các doanh nghiệp SIB, ông Trung cho hay, thời gian qua, Cục Phát triển doanh nghiệp đã tham mưu cơ chế, chính sách để phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm cả doanh nghiệp SIB.

Để tiếp tục hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp SIB, qua đó hỗ trợ các nhóm yếu thế (phụ nữ, người khuyết tật…) nhằm đảm bảo sinh kế cho các nhóm yếu thế phát triển bền vững, Hội thảo tập trung tham vấn chính sách và kết nối với đối tác mở rộng thị trường hỗ trợ doanh nghiệp SIB.

Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế đã trình bày tổng quan về SIB và một số chính sách hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp này; đồng thời, đề xuất chính sách thử nghiệm phát triển doanh nghiệp SIB tại Việt Nam; hướng dẫn triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm doanh nghiệp SIB.

Hội thảo cũng tập trung vào một nội dung quan trọng khác là hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SIB với sự tham gia chia sẻ và hỗ trợ của đại diện các doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Chuyên đề