Ảnh Internet |
Và trong nền kinh tế như vậy, nhờ vào khả năng đầu tư của mình, Chủ tịch kiêm CEO Berkshire Hathaway Warren Buffett hiện là người giàu thứ ba thế giới với khối tài sản gần 88 tỷ USD. Nhưng nếu như tiền chỉ kiếm được thông qua một kỹ năng khác nào đó, chẳng hạn như khả năng thể thao? Ông Buffett nói rằng ông sẽ gặp rắc rối.
“Nếu đây là một nền kinh tế thể thao, tôi sẽ chết đói. Bạn có thể dành cho tôi 6 giờ huấn luyện mỗi ngày và tôi có thể luyện tập vào cả ban đêm… song tôi cũng sẽ chẳng giỏi hơn”, nhà đầu tư huyền thoại chia sẻ. Ông Buffett sử dụng giả thuyết trên để đưa ra một quan điểm: “Kỹ năng của bạn và tôi phù hợp với nền kinh tế thị trường. Nhưng không phải ai cũng vậy”.
Theo ông Buffett, đối với những người có kỹ năng không phù hợp, họ sẽ gặp khó khăn về tài chính. Và đó là việc của những người thành công nhất cũng như chính phủ trong nền kinh tế thị trường để giải quyết vấn đề này. “Chúng ta muốn có một nền kinh tế thị trường, nhưng một gia đình giàu có không nên bỏ mặc những người nghèo ở phía sau”, ông Buffett giải thích.
Ông từng đề cập tới vấn đề này trước đây. “Tất cả mọi thứ ban đầu nên được dành cho việc để có được năng suất cao hơn. Nhưng những người tụt lại phía sau, mà không phải là lỗi của họ, vẫn nên có cơ hội tham gia vào sự thịnh vượng đó. Và đó là nơi để chính phủ hành động”, ông Buffett phát biểu tại Đại học Columbia hồi năm ngoái.
Vào hôm thứ Năm (6/9) vừa qua, tỷ phú Buffett một lần nữa đề nghị cập nhật chính sách tín thuế lợi tức do lao động – một lợi ích giúp những lao động có thu nhập thấp.
“Tín thuế lợi tức do lao động, EITC hoặc EIC, là lợi ích cho lao động có thu thập thấp đến trung bình. Để đủ điều kiện, bạn phải đáp ứng các yêu cầu nhất định và nộp tờ khai thuế, ngay cả khi bạn không nợ bất cứ khoản thuế nào hoặc không bị yêu cầu nộp. EITC giúp giảm số tiền thuế bạn nợ và có thể hoàn trả cho bạn”, theo Sở Thuế vụ Mỹ.
“Tôi nghĩ chúng ta có thể cải cách và mở rộng EITC. Mọi người không cần mức lương tối thiếu, họ cần một số tiền tối đa và EITC có thể giúp ích cho người có kỹ năng không phù hợp với nền kinh tế thị trường”, ông Buffett nói.
Ngoài việc đề xuất chính phủ đóng một vai trò tích cực trong phân phối của cải, ông Buffett thể hiện trách nhiệm cá nhân của mình thông qua các hoạt động từ thiện. Ông cùng vợ chồng tỷ phú Bill Gates đã thành lập quỹ The Giving Pledge, sáng kiến kêu gọi các tỷ phú thế giới dành phần lớn tài sản để làm từ thiện. Theo ông Buffett, mặc dù nhiều người được hưởng lợi từ nền kinh tế thị trường Mỹ, song số lượng tỷ phú Phố Wall cam kết tham gia The Giving Pledge “thấp đến mức không tương xứng” so với các lĩnh vực khác.
Nhà hiền triết xứ Omaha cũng cho biết một nhóm khác “nói chung là ít muốn” cho đi tài sản bởi bản thân họ là “những người thừa kế”. “Họ cảm thấy giống như phá vỡ một giao ước mà thế hệ cha ông họ dành cho họ, do đó họ không cảm thấy nên cho đi tài sản của mình. Và cũng thật khó cho đi nếu tất cả tài sản đó gắn chặt với một doanh nghiệp gia đình”, ông Buffett giải thích. Tuy nhiên, ông nghĩ rằng họ không nên giữ nó, thay vào đó những người may mắn được thừa kế tài sản nên giúp đỡ những người khác kém may mắn hơn.