Đầu tư công sẽ có vai trò then chốt đối với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Ảnh: Lê Tiên |
ADB ước tăng trưởng GDP đạt 6%
ADB vừa công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 9/2024, trong đó có đưa ra dự báo tích cực cho Việt Nam với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tăng 6% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Shantanu Chakraborty đánh giá, nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đã phục hồi ổn định nhờ sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB, lĩnh vực công nghiệp tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng, khi cầu bên ngoài đối với các mặt hàng điện tử xuất khẩu tăng góp phần gia tăng sản xuất. Kinh tế Việt Nam cũng được hỗ trợ bởi sự khôi phục của các ngành dịch vụ và sản lượng nông nghiệp ổn định. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước còn yếu và triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn làm tăng thêm sự bất ổn trong thời gian tới.
Theo ADB, ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng chính khi chỉ số nhà quản trị mua hàng sản xuất tăng nhẹ, lên trên 52,4 vào tháng 8/2024 và tiếp tục đà mở rộng, cho thấy sự phục hồi của ngành sản xuất hàng tiêu dùng. 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng 15,8% và 17,7% so với cùng kỳ năm 2023. Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong 8 tháng đầu năm 2024, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. ADB dự báo FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu. Ngành dịch vụ được dự báo tăng trưởng ở khiêm tốn với mức 6,6%, nhờ sự phục hồi của du lịch và các dịch vụ liên quan.
Về phía cầu, chính sách tài khóa mở rộng và tiền tệ nới lỏng sẽ tiếp tục hỗ trợ tiêu dùng hiện đang ở mức thấp. Đầu tư công đóng vai trò then chốt đối với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Tiếp tục chính sách hỗ trợ tài khóa và gia tăng đầu tư công sẽ góp phần kích cầu hơn nữa trong nửa cuối năm 2024. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục gây áp lực giảm đối với lĩnh vực bất động sản - là một lĩnh vực chính của tiêu dùng trong nước trước đây. Nhu cầu trong nước dự kiến sẽ vẫn tương đối yếu trong giai đoạn 2024 - 2025, ADB dự báo.
ADB cũng dự báo lạm phát ở mức 4% trong cả 2 năm 2024 và 2025. Dù vậy, căng thẳng địa chính trị, gồm xung đột Nga - Ukraine, bất ổn ở Trung Đông có thể tác động tới giá dầu, làm gia tăng lạm phát tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Nguồn: ADB |
Kết hợp cân bằng chính sách tiền tệ và tài khóa
Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng theo ông Nguyễn Bá Hùng, một số rủi ro có thể làm chậm đà tăng trưởng của Việt Nam. Trong đó, nhu cầu từ các nền kinh tế lớn vẫn còn yếu, trong khi những căng thẳng, bất ổn địa chính trị có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, sản xuất và việc làm tại Việt Nam.
Cụ thể, triển vọng kinh tế thế giới phục hồi chậm có thể tiếp tục hạn chế nhu cầu, ảnh hưởng bất lợi đến xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm. Xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng do dịch chuyển thương mại từ việc tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm như hàng may mặc, dệt may và điện tử, cũng như rủi ro từ căng thẳng địa chính trị leo thang và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng.
Chuyên gia ADB khuyến nghị, để duy trì đà tăng trưởng, việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô với sự kết hợp cân bằng hơn các chính sách tiền tệ và tài khóa là hết sức quan trọng, đi kèm với các cải cách quản lý nhà nước toàn diện. Cầu bên ngoài yếu hơn kỳ vọng đòi hỏi tiếp tục các biện pháp chính sách để thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhằm kích thích cầu nội địa. Bên cạnh chính sách tiền tệ hiện hành, cần thiết phải đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ tài khóa, tăng cường giải ngân đầu tư công và cải cách quản lý nhà nước hơn nữa để giảm bớt gánh nặng lên chính sách tiền tệ trong việc thúc đẩy nền kinh tế.
Ông Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh, chính sách tiền tệ cần theo đuổi mục tiêu kép là ổn định giá cả và tăng trưởng, cho dù không gian chính sách bị hạn chế. Tuy nhiên, rủi ro về các khoản nợ xấu gia tăng do chu kỳ suy thoái kinh tế sẽ làm hạn chế khả năng nới lỏng tiền tệ hơn nữa. Bất kỳ biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ bổ sung nào cũng nên được phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng, cùng với việc đẩy nhanh cải cách thể chế để hỗ trợ nền kinh tế.
Trước đó, cơn bão Yagi gây thiệt hại lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc, khiến GDP năm nay dự báo thấp hơn 0,15% so với kịch bản trước đó. Theo ông Shantanu Chakraborty, hậu quả của cơn bão Yagi khá lớn nhưng đây cũng là cơ hội để “tái sinh”. Ông khuyến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy kinh tế của các địa phương chịu thiệt hại do bão lũ. Hiện tại, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, cách khá xa so với mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công 95% mà Chính phủ đưa ra cho cả năm 2024. Tuy nhiên, việc giải ngân đầu tư công thường được đẩy mạnh vào cuối năm và đây sẽ là động lực chính để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
Ngày 24/9, Ngân hàng Singapore United Overseas Bank (UOB) hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay do bão Yagi, từ 6% xuống 5,9%. UOB dự kiến ảnh hưởng từ cơn bão này sẽ được cảm nhận rõ hơn vào cuối quý III và đầu quý IV ở phía Bắc, thể hiện qua việc sản lượng sụt giảm và các cơ sở sản xuất, nông nghiệp và các dịch vụ bị hư hỏng.
Siêu bão Yagi khiến một số tổ chức quốc tế thận trọng với dự báo tăng trưởng cả năm 2024 của Việt Nam. Tuy nhiên, trong đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính thì những mất mát, thiệt hại do siêu bão Yagi là một tham số cần phải tính đến, song vẫn cần phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cả năm khoảng 7%. Thủ tướng chỉ đạo 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, trong đó nhấn mạnh nhóm giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát…