Trong một văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Văn phòng Chính phủ cho biết, lãnh đạo Chính phủ đồng ý với kiến nghị xin bổ sung 17 dự án điện mặt trời của Bộ Công Thương vào quy hoạch. Phó thủ tướng yêu cầu cơ quan này xem xét việc thẩm định, phê duyệt bổ sung dự án theo đúng quy định pháp luật.
Các dự án điện mặt trời mà Bộ Công Thương muốn đưa vào quy hoạch lần này đều có công suất dưới 50 MWp và tập trung ở miền Trung, miền Nam - nơi có bức xạ mặt trời tốt, điều kiện thuận lợi để triển khai. Bộ này cũng cho rằng, khả năng đấu nối của số dự án trên vào hệ thống lưới cơ bản đều đáp ứng giải tỏa công suất cho các nhà máy.
Việc xin bổ sung diễn ra trong bối cảnh số lượng dự án điện mặt trời được cấp phép trước đây đã vượt Quy hoạch điện VII (bổ sung), gây lo ngại quá tải hệ thống lưới điện truyền tải, khiến nhiều dự án điện mặt trời khi hoàn thành cũng khó phát điện lên hệ thống.
Dữ liệu đến hết tháng 9/2018 của Bộ Công Thương cho biết, 121 dự án được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến 2020 là 6.100 MW và 2030 là 7.200 MW. Nếu 17 dự án trên tiếp tục được bổ sung thì tổng cộng gần 140 dự án điện mặt trời được đưa vào quy hoạch sau hơn một năm Quyết định 11 về tăng giá điện mặt trời lên 9,5 cent một kWh có hiệu lực.
Các dự án xin bổ sung quy hoạch lần này cũng tập trung ở khu vực miền Trung, miền Nam - nơi đang được xem có khả năng quá tải lưới truyền tải nếu các dự án điện mặt trời ồ ạt vận hành trong thời gian tới.
Bộ Công Thương đang xin bổ sung thêm 17 dự án điện mặt trời vào quy hoạch điện quốc gia.
Một năm sau Thông tư số 16/2017 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu (PPA) áp dụng cho các dự án điện mặt trời có hiệu lực, EVN đã ký 54 hợp đồng mua bán điện với các chủ đầu tư, tổng công suất gần 3000 MW. Con số này cũng vượt xa Quy hoạch điện 7 điều chỉnh trong đó định hướng tới 2020 công suất điện mặt trời 850 MW và tăng lên 4.000 MW sau đó 5 năm.
Mặt khác, loại năng lượng này vận hành không ổn định do phụ thuộc thời tiết và giá điện cao, 9,5 cent (gần 2.100 đồng) một kWh, cũng khiến bùng nổ cuộc "chạy đua" đầu tư vào dự án điện mặt trời.
Tại hội nghị tổng kết ngành điện 2018, ông Nguyễn Đức Cường – Giám đốc Trung tâm điều độ A0 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN) cho rằng, thách thức lớn với hệ thống điện năm nay là tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời). Lượng lớn các nhà máy điện mặt trời sẽ bắt đầu phát công suất vào hệ thống với tổng công suất dự kiến khoảng 2.200 MWp trong năm nay.
"Với đặc tính vật lý tự nhiên, các nhà máy điện mặt trời sẽ có hệ số đồng thời khá cao, tạo ra biến động lượng công suất lớn trong khoảng thời gian rất ngắn, trong khi lượng công suất dự phòng của hệ thống không cao. Đây chính là thách thức lớn mà hệ thống điện chưa từng phải đối mặt", ông Cường lo ngại.
Thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, nếu tính các nhà máy điện mặt trời đã ký và đang đàm pháp hợp đồng mua bán điện thì tổng công suất điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Bình Thuận lên tới 749,63 MW và Ninh Thuận là 1.047,32 MW (1/2 so với phê duyệt) dẫn đến tình trạng các đường dây truyền tải khu vực này đã rơi vào tình trạng đầy tải, quá tải. Nếu sản lượng hay công suất các nhà máy điện mặt trời bị giảm 10%, mọi tính toán có thể bị đảo lộn, các dự án sẽ không thể thực hiện.
Giải pháp tránh quá tải lưới điện truyền tải, EVN kiến nghị phát triển đồng bộ giữa lưới điện và nguồn điện, đồng thời đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia các công trình lưới điện truyền tải cần thiết để phục vụ giải phóng công suất các dự án điện gió, điện mặt trời.
Giữa tháng 12/2018, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo về sự phát triển ồ ạt điện mặt trời và cảnh báo của giới chuyên gia "lo điện mặt trời theo vết xe đổ Trung Quốc".