Vượt nắng, thắng mưa, đua tiến độ khánh thành 2 dự án cao tốc 16.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 18/6/2023, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì, phối hợp với tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Bình Thuận chính thức tổ chức khánh thành 2 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. 
Dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài tuyến gần 101 km
Dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài tuyến gần 101 km

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài tuyến khoảng 100,8 km, sử dụng vốn đầu tư công với tổng mức đầu tư 10.853,9 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 7 làm Chủ đầu tư.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quốc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án 7 cho biết, Dự án khởi công vào ngày 30/9/2020, ngay sau đó là thời gian dài bùng phát dịch covid-19 tại khu vực phía Nam, ảnh hưởng nặng nề tới công tác thi công. Tuy nhiên, Chủ đầu tư và nhà thầu dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã vượt khó, đưa Dự án hoàn thành tuyến chính vào ngày 19/5/2023.

Dự án được thi công bởi hàng loạt nhà thầu tên tuổi trong lĩnh vực hạ tầng giao thông như: Tổng công ty Thăng Long, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương, Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập, Công ty CP Thương mại, Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Quân Trung, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8, Công ty TNHH MTV Hà Thành, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C, Công ty CP Cầu đường New Sun và Công ty TNHH Thiết kế Xây dựng Xuân Tiến.

Theo ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex, đại diện Liên danh Vinaconex - VNCN E&C (đơn vị đảm nhiệm thi công Gói thầu XL04 Thi công xây dựng đoạn Km185+400 - Km235+000, nút giao Ma Lâm và nút giao Phan Thiết với giá trị hợp đồng 3.225 tỷ đồng) cho biết: “Khối lượng thi công lớn trong điều kiện địa chất, địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, khối lượng phá đá lên tới hàng triệu mét khối, đại dịch Covid-19 bùng phát dẫn tới việc phải dừng thi công hoặc thi công gián đoạn, điều kiện thời tiết bất lợi do mưa nhiều bất thường, biến động đột biến của giá nguyên, nhiên vật liệu, đặc biệt là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và thiếu hụt nguồn đất đắp nền (đến đầu tháng 4/2023 mới được giải quyết) đã ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch và tiến độ Dự án. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ của các bộ, ban ngành, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận, với trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, các nhà thầu đã nêu cao tinh thần vượt nắng, thắng mưa, quyết tâm đưa Dự án về đích đúng hạn”.

Với Dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm, đây là một trong 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Dự án có tổng vốn đầu tư 5.524,15 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà đầu tư khoảng 2.556,99 tỷ đồng (gồm vốn chủ sở hữu khoảng 511,40 tỷ đồng; vốn vay/vốn hợp pháp khác 2.045,6 tỷ đồng). Nguồn vốn nhà nước tham gia trong Dự án khoảng 2.967,16 tỷ đồng.

Dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm được đưa vào khai thác tạm thời ngày 19/5/2023

Dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm được đưa vào khai thác tạm thời ngày 19/5/2023

Nhà đầu tư Dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải; doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh được giao là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Dự án được khởi công tháng 9/2021, đến nay đã hoàn thành tuyến chính với chiều dài 49,1 km, Bộ GTVT đã đưa vào khai thác tạm thời ngày 19/5/2023. Việc khánh thành Dự án vào ngày 18/6/2023 là nỗ lực của nhà đầu tư, vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng.

Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải cho biết: “Quá trình triển khai Dự án đã phát sinh nhiều khó khăn bất khả kháng khiến Nhà đầu tư rất hoang mang. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc nhanh chóng của các cấp từ Chính phủ, bộ, ngành đến địa phương đã giúp tháo gỡ khó khăn. Đây cũng là động lực để Nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến nhất trong thi công đường cao tốc, giúp hoàn thành Dự án vượt tiến độ, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật vượt trội. Dự án thành công sẽ đem lại niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia dự án PPP giao thông trong giai đoạn mới”.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, việc hoàn thành 2 dự án Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết nâng tổng số km đường cao tốc trục Bắc - Nam lên 950 km. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã hoàn thành, đưa vào khai thác 566 km đường bộ cao tốc, nâng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào sử dụng của nước ta lên 1.729 km. 2 công trình khánh thành ngày hôm nay sẽ góp phần kết nối các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gần hơn, nhanh hơn với TP.HCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, giúp hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, rút ngắn khoảng cách, giảm thiểu thời gian đi lại và chi phí lưu thông hàng hóa, vận tải hành khách giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chuyên đề