Vượt khó xây những cây cầu...

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chưa giai đoạn nào tại khu vực phía Nam có nhiều dự án cầu quy mô lớn được đồng loạt triển khai như hiện nay. Với mạng lưới sông ngòi dày đặc của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hệ thống sông lớn như Đông Nam Bộ, giấc mơ về những cây cầu “kết nối bờ vui” đang đến gần người dân hơn bao giờ hết, với khát vọng đưa kinh tế khu vực phát triển thịnh vượng, xứng với tiềm năng.
Cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên trục đường cao tốc từ TP.HCM đi TP. Cần Thơ, kết nối hai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang. Ảnh: Tiên Giang
Cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên trục đường cao tốc từ TP.HCM đi TP. Cần Thơ, kết nối hai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang. Ảnh: Tiên Giang

Thần tốc với 3 cây cầu kết nối miền Tây

Theo Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 2020 - 2023, có 3 cầu quy mô lớn tại ĐBSCL gồm: cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang - Vĩnh Long), cầu Rạch Miễu 2 (Tiền Giang - Bến Tre) và cầu Đại Ngãi (Sóc Trăng - Trà Vinh), với tổng mức đầu tư hơn 18.200 tỷ đồng được đồng loạt triển khai. Đây là những cây cầu nằm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, có vai trò quan trọng đối với việc đồng bộ hạ tầng cho khu vực ĐBSCL trong thời gian tới. Thực tế, cả 3 dự án này đều được các địa phương bàn giao mặt bằng với tiến độ thần tốc. Chủ đầu tư cùng các đơn vị thẩm định, tư vấn hoàn tất công tác chuẩn bị nhanh chóng. Đặc biệt, đội ngũ nhà thầu thi công, tư vấn giám sát đã có những nỗ lực vượt bậc để đưa các dự án về đích đúng, trước kế hoạch.

Dự án Cầu Rạch Miễu 2 có tổng chiều dài tuyến khoảng 17,6 km, nối 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Dự án có tổng mức đầu tư 6.810,11 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ năm 2021 - 2026. Dự án bao gồm 6 gói thầu xây lắp, trong đó, các gói thầu đường dẫn thi công 26 tháng, hoàn thành trước tháng 8/2025, gói cầu chính dây văng có thời gian thực hiện 34 tháng, hoàn thành vào tháng 12/2025. Theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, phần cầu thi công trụ tháp dự kiến hoàn thành trước 28/1/2025; công tác xử lý nền đất yếu tại phạm vi đầu cầu dự kiến phải hoàn thành trước ngày 14/10/2024. Tiến độ thi công của Dự án đến nay đạt 33,83% khối lượng, hoàn thành cam kết 30% trong năm 2023. Đánh giá về tiến độ của Chủ đầu tư cho thấy, phần cầu đáp ứng tiến độ, riêng phần cầu chính Rạch Miễu 2 hiện nay rút ngắn tiến độ khoảng 2 tháng so với hợp đồng.

Gần 2 tháng cũng là thời gian vượt tiến độ của quá trình hợp long cầu Mỹ Thuận 2. Đây là dự án trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư 5.003,064 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án 7 cho biết, dù thi công trong giai đoạn khó khăn nhất do dịch bệnh bùng phát, bão giá nguyên vật liệu, nhưng đội ngũ nhà thầu đã nỗ lực để đạt những mốc son đáng tự hào tại dự án này. Cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên trục đường cao tốc từ TP.HCM đi TP. Cần Thơ, kết nối hai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang. Đây là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ trong khu vực. Nhịp chính với kết cấu dây văng khẩu độ 350 m, lần đầu tiên do đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế cho đến thi công. Thời gian hoàn thành toàn bộ Dự án là 40 tháng, dự kiến đưa vào khai thác sử dụng vào cuối năm 2023.

Cầu Đại Ngãi vừa được khởi công trong tháng 10/2023 lập kỳ tích ở khâu chuẩn bị dự án. Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm, Dự án thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư ngày 23/12/2022. Đây là dự án nhóm A, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt với tổng mức đầu tư là 7.962,148 tỷ đồng. Dự án đã được Ban Quản lý dự án 85 chuẩn bị với tiến độ thần tốc, hoàn thành sau 11 tháng (các dự án thông thường từ 22 đến 24 tháng). Nhà thầu thi công Gói thầu số 11-XL của Dự án là Liên danh Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương - Công ty CP Tập đoàn Thuận An - TAG thực hiện; thời gian thực hiện hợp đồng 26 tháng. Ông Lê Bảo Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng số 1 cho biết, Liên danh sẽ nỗ lực đưa Gói thầu về đích đúng tiến độ, an toàn, chất lượng. Cầu Đại Ngãi được ngành giao thông tin tưởng sẽ là cây cầu về đích sớm so với kế hoạch để giúp ĐBSCL phát huy các giá trị vùng cũng như tăng khả năng thông thương hàng hóa cho doanh nghiệp.

Cầu lớn cho miền Đông: Vượt khó khăn để tạo xung lực lớn

Khởi công từ tháng 6/2023, đến nay, theo Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải - Chủ đầu tư Dự án Cầu Phước An cho biết, phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng. Liên danh nhà thầu đang gấp rút tổ chức các mũi thi công, huy động thiết bị, nhân lực, tập trung hoàn thành mặt bằng công trường, đường công vụ, mố nhô phục vụ thi công công trình xây lắp cầu chính. Tại Gói thầu Xây lắp hạng mục cầu dẫn từ đầu tuyến đến trụ dẫn T36 - T37 phía đầu cầu Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà thầu đang tổ chức các mũi thi công phần từ đầu tuyến đến trụ T36. Gói thầu Xây lắp cầu chính từ trụ T37 đến trụ T40 cũng được các nhà thầu huy động thiết bị, nhân lực, tập trung làm xong mặt bằng công trường, hệ thống đường công vụ.

Cầu Phước An là dự án kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu với Đồng Nai, có chiều dài hơn 4,3 km, tổng mức đầu tư 4.877 tỷ đồng. Dự án gồm 5 gói thầu xây lắp chính, trong đó, cầu dẫn kết nối tỉnh Đồng Nai dự kiến khởi công trong quý IV/2023. Đây là một trong những dự án được kỳ vọng tạo xung lực phát triển mới cho khu vực kinh tế Đông Nam Bộ.

Chia sẻ về quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, để kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ cũng như giữa các tỉnh trong nội vùng, có hàng loạt dự án cầu lớn được triển khai. Chỉ tỉnh riêng TP.HCM và Đồng Nai, có ít nhất 5 cây cầu, gồm: cầu Đồng Nai, cầu Long Thành, cầu Nhơn Trạch, cầu Cát Lái và cầu Phước Khánh.

Dù quyết tâm cao nhưng quá trình xây dựng các cây cầu lớn có nơi, có lúc không vượt qua được những khó khăn, vướng mắc, khiến một số dự án bị kéo dài. Đơn cử cầu Phước Khánh trên cao tốc Bến Lức - Long Thành nối huyện Cần Giờ (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Dù được đánh giá là cầu lớn có tĩnh không cao nhất Việt Nam (55m), được khởi công năm 2015, nhưng Dự án gặp nhiều trở ngại về vốn, pháp lý nên đã tạm ngừng thi công vào năm 2020, sau khi đã hoàn tất 87% khối lượng xây dựng.

Trong khi đó, theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cầu Nhơn Trạch thuộc Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (thuộc tỉnh Đồng Nai) thuộc tuyến Vành đai 3 TP.HCM được khởi công từ tháng 9/2022, nhưng tiến độ chưa bảo đảm do vướng mắc mặt bằng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

“Với quyết tâm tăng cường động lực phát triển kinh tế khu vực TP.HCM và Đông Nam Bộ, hạ tầng kết nối khu vực, đặc biệt là đường bộ cần được hoàn thiện, nâng cấp. Các khó khăn đều cần được lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ kịp thời để các dự án cầu lớn kết nối khu vực được thông suốt, đẩy nhanh tiến độ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Chuyên đề