Vướng quy định phân nhóm thuốc: Bệnh viện khó chọn nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khi ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BYT (TT 15/2019) quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, nội dung về phân chia nhóm thuốc tại các gói thầu theo tiêu chí kỹ thuật được kỳ vọng giúp lựa chọn thuốc với chất lượng và giá cả phù hợp, đáp ứng nhu cầu sử dụng và phân tuyến kỹ thuật, góp phần thực hiện Đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam. 
Nhiều vướng mắc về quy định khiến các đơn vị tổ chức mua sắm khó phân định được đâu là nhóm thuốc phù hợp, mất nhiều thời gian để đấu thầu. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều vướng mắc về quy định khiến các đơn vị tổ chức mua sắm khó phân định được đâu là nhóm thuốc phù hợp, mất nhiều thời gian để đấu thầu. Ảnh: Nhã Chi

Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, quy định này bộc lộ nhiều bất cập, gây lúng túng khi thực thi, dẫn đến chậm, thậm chí không lựa chọn được nhà thầu.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số Sở Y tế, đơn vị được giao tổ chức mua sắm tập trung ngành y tế tại địa phương cho rằng, quy định phân nhóm thuốc hiện nay quá phức tạp khiến đơn vị mua sắm lúng túng, mất rất nhiều thời gian.

Chẳng hạn như một trong những tiêu chí của thuốc Nhóm 1 là “được sản xuất toàn bộ trên dây chuyển sản xuất thuốc đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP hoặc dây chuyền sản xuất thuốc đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn tương đương EU-GMP tại nước thuộc danh sách SRA”. Quy định này có thể được hiểu là “thuốc được sản xuất toàn bộ trên dây chuyền sản xuất thuốc đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP hoặc thuốc được sản xuất tại dây chuyền sản xuất thuốc đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn tương đương EU-GMP tại nước thuộc danh sách SRA”. Nhưng một số đơn vị lại hiểu quy định này theo cách khác là “thuốc được sản xuất toàn bộ trên dây chuyền sản xuất thuốc đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP tại nước thuộc danh sách SRA hoặc thuốc được sản xuất tại dây chuyền sản xuất thuốc đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn tương đương EU-GMP tại nước thuộc danh sách SRA”.

Bên cạnh đó, danh mục thuốc (DMT) đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP và tương đương được Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế ban hành chưa có quy định đối với thuốc đạt tiêu chí kỹ thuật nhóm 1, 2. Địa chỉ cơ sở sản xuất giữa Giấy phép lưu hành/Giấy phép nhập khẩu, Danh sách chứng nhận GMP của thuốc vênh với địa chỉ được công bố trên website của Cục Quản lý dược; tên khoa học, tên hoạt chất, nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế giữa các DMT không thống nhất (giữa Thông tư số 15/2020/TT-BYT (TT 15/2020) và Thông tư số 05/2015/TT-BYT, giữa TT 15/2019 và TT 15/2020…)…

Theo phản ánh của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị, hiện nay còn có tình trạng một thuốc được Bộ Y tế cấp phép lưu hành với nhiều nồng độ và hàm lượng khác nhau, trong đó bao gồm cả thuốc được phối hợp hai hoặc nhiều hoạt chất với giá khác nhau và đều nhằm mục đích chữa bệnh, nhưng khi xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) không đồng ý, hoặc khi thanh toán thuốc cho bệnh nhân thì bị xuất toán.

Một số trường hợp là thuốc hiếm, chưa được nhập khẩu, đơn vị tổ chức mua sắm không có căn cứ để xây dựng giá kế hoạch, tiêu chí kỹ thuật…

Không chỉ có phân nhóm thuốc, một số chuyên gia còn cho rằng, quy định về mẫu hồ sơ mời thầu cũng đang có nhiều vấn đề. Đơn cử như Mẫu Tờ trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu vị thuốc cổ truyền của TT 15/2019 không thống nhất với TT 15/2020 về quy định “nguồn gốc” của vị thuốc… Hiện còn thiếu mẫu hồ sơ yêu cầu cho các hình thức mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh…

Những vướng mắc này khiến cho các bệnh viện cũng như đơn vị tổ chức mua sắm khó phân định được đâu là nhóm thuốc phù hợp, mất nhiều thời gian để đấu thầu.

Theo một chuyên gia pháp chế trong lĩnh vực y tế, những nhược điểm và khiếm khuyết này đã được phản ánh và nhận diện từ trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, trong đó có việc sửa đổi hoặc ban hành thông tư thay thế TT 15/2019. Tuy nhiên, cho đến nay, văn bản này vẫn “giẫm chân tại chỗ” do nhiều nguyên nhân, trong đó, không thể loại trừ nguyên nhân “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”.

Tại Chỉ thị số 05/CT-BYT vừa được ban hành, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa nhận, công tác hoàn thiện thể chế chưa được coi là nhiệm vụ trọng tâm, chưa quan tâm bố trí nhân lực làm công tác pháp chế phù hợp. Do đó, bà Lan yêu cầu, các đơn vị liên quan thuộc Bộ phải đặt nhiệm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật làm trọng tâm, ưu tiên hàng đầu; khẩn trương tham mưu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản liên quan để hoàn thiện hệ thống pháp luật của ngành y tế.

Đối với những quy định đã đầy đủ, rõ ràng, các đơn vị phải tổ chức thực hiện khẩn trương, kịp thời, không để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, nhằm bảo đảm quyền lợi của người bệnh.

Chuyên đề