Vùng đồng bằng Sông Hồng: Đầu tàu chuyển đổi mô hình tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đồng bằng Sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng và là trung tâm dẫn dắt nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước. Chương trình hành động của Chính phủ nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết số 30-NQ/TW đưa ra nhiều giải pháp có tính đột phá trong phát triển sẽ là cơ hội cho vùng Đồng bằng Sông Hồng cất cánh mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Đồng bằng Sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng và là trung tâm dẫn dắt nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Đồng bằng Sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng và là trung tâm dẫn dắt nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ngày 12/2/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng. Hội nghị với chủ đề “Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững” được tổ chức tại Quảng Ninh dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tại buổi họp báo trước thềm Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, Chương trình hành động của Chính phủ dự kiến đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển của Vùng Đồng bằng sông Hồng, nhất là về định hướng, mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ cụ thể; gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù… Đây sẽ là cơ hội cho Đồng bằng Sông Hồng phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045.

Chương trình hành động của Chính phủ đề ra 36 nhiệm vụ cụ thể và 20 dự án kết cấu hạ tầng và phân công cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian thực hiện cụ thể.

Cùng với đó, hoạt động xúc tiến đầu tư được tổ chức song song có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh của toàn Vùng. Đây chính là điều kiện tiên quyết để cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra.

Cụ thể, trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ KH&ĐT sẽ ký, trao đổi thỏa thuận hợp tác dự kiến gần 20 dự án có tổng quy mô vốn khoảng 2,6 tỷ USD với 5 đối tác lớn: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Kexim), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) và Ngân hàng Thế giới (WB). Cùng với đó, trong khuôn khổ Hội nghị, dự kiến trao 18 giấy chứng nhận đầu tư, 4 quyết định chủ trương đầu tư và 2 biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng vốn đầu tư 148,7 nghìn tỷ đồng cho 11 địa phương.

Thứ trưởng Trần Duy Đông thông tin, Chương trình hành động của Chính phủ đưa ra 21 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 9%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm; kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP… Đây là chỉ tiêu hành động cao nhất trong 6 vùng của cả nước thể hiện quyết tâm đưa Đồng bằng sông Hồng đảm nhiệm tốt vai trò là 1 trong 2 vùng động lực của cả nước, phải có chỉ tiêu cao hơn để làm đầu kéo cho các vùng khó khăn hơn...

Với chỉ tiêu hành động cao, đòi hỏi nhiều chủ trương, chính sách có tính đột phá, vượt trội; xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương; hoàn thiện thể chế, cơ chế tổ chức điều phối, liên kết phát triển vùng, tiểu vùng; điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách, đặc thù về phát triển vùng; huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng bảo đảm xây dựng và phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng đạt các mục tiêu đã đề ra.

Chương trình hành động của Chính phủ đề ra 10 giải pháp trọng tâm, trong đó có 2 giải pháp được coi là “đột phá của đột phá”. Cụ thể, đó là giải pháp phát triển hệ thống đô thị (theo mô hình TOD) bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. “Việc đưa ra các giải pháp riêng cho Đồng bằng sông Hồng dựa trên sự phù hợp với các điều kiện, tiềm năng lợi thế sẵn có về trình độ nguồn nhân lực, sự sẵn có và tiềm năng phát triển của kết cấu hạ tầng tốt, là nơi tập trung của các trường đại học, viện nghiên cứu… để thực hiện tốt các đột phá này”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT lý giải.

Thông tin thêm, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, 20 dự án kết cấu hạ tầng được đưa ra trong Chương trình hành động của Chính phủ đều phải phù hợp với quy hoạch và quan trọng hơn là cần ưu tiên và tập trung tất cả nguồn lực cho các dự án trọng tâm, trọng điểm.

Chuyên đề