Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ: Tạo đột phá từ kinh tế biển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 5/2/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức Hội nghị Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với chủ đề "Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững".
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có vai trò, vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Ảnh: Chấn Sơn
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có vai trò, vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Ảnh: Chấn Sơn

Hội nghị được tổ chức tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, với mục tiêu sớm đưa Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW vào cuộc sống.

Tại buổi họp báo trước thềm Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, trong Chương trình hành động của Chính phủ đã đưa các giải pháp để phát huy những tiềm năng, lợi thế của Vùng, trong đó có nhóm giải pháp trọng tâm là “chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển”. Cụ thể là khai thác tiềm năng du lịch biển, khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp ven biển, hàng hải, khai thác dầu khí, khai thác tiềm năng, quỹ đất cho hệ thống các đô thị ven biển hiện đại, nâng cao hiệu quả nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản…

Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận định, Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ - vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là Chiến lược phát triển bền vững về kinh tế biển.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW gồm 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, với 34 nhiệm vụ cụ thể và 11 dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể. Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, để triển khai hiệu quả Chương trình hành động, cần xây dựng tổ chức thực hiện tốt quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh của 14 địa phương trong Vùng, quyết tâm trong năm 2023 phải hoàn thành.

Để triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ, một địa phương đã có những góp ý, đề xuất về quy hoạch, liên kết vùng. Đơn cử Thanh Hóa đề xuất phát triển Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn thành cực tăng trưởng mới của Vùng. Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, tính đến nay, KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp tại Tỉnh đã thu hút được 320 dự án, trong đó 296 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 149.530 tỷ đồng và 24 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 12,814 tỷ USD; có trên 122 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; giải quyết việc làm cho hơn 36 nghìn lao động; đã mở tuyến container quốc tế đi và đến cảng Nghi Sơn…

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW gồm 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, với 34 nhiệm vụ cụ thể và 11 dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối.

UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, cần đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, liên kết với các địa phương trong vùng để cùng phát triển. Tỉnh sẽ tiếp tục thu hút các dự án đầu tư, trong đó ưu tiên dự án quy mô lớn và nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại, sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm là đầu vào cho KKT Nghi Sơn.

Là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển liên kết ngành kinh tế biển, tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, các tỉnh, thành phố khu vực Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cần lồng ghép nội dung nhiệm vụ phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trong quá trình lập, triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có liên quan. Tại Hà Tĩnh, KKT Vũng Áng với cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương là cửa ngõ quan trọng tiếp chuyển cho Lào và Đông Bắc Thái Lan, được xác định là trung tâm động lực phát triển của Tỉnh. Trên địa bàn KKT Vũng Áng hiện có 153 dự án đầu tư, gồm 97 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 55.600 tỷ đồng, 56 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 16 tỷ USD…

Với vị trí chiến lược, vai trò quan trọng trên cả 2 trục hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, là cửa ngõ ra biển Đông, Bình Định định hướng trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển... Theo UBND tỉnh Bình Định, cần sớm ban hành quy hoạch vùng và các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết phát triển trong nội vùng, liên vùng. Đặc biệt là chính sách đầu tư cho hạ tầng khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, sớm cụ thể hóa các mục tiêu phát triển.

Chuyên đề