VN-Index “xanh vỏ”, thanh khoản bốc hơi

0:00 / 0:00
0:00
Với số mã giảm giá nhiều gấp 2,5 lần số tăng giá, VN-Index vẫn có được 2,85 điểm phiên hôm nay nhờ một số mã lớn. Tuy nhiên chính VN30-Index vẫn giảm 2,57 điểm, cho thấy tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” nghiêm trọng...
VN-Index đánh võng liên tục trong phiên hôm nay hầu như chỉ do một vài cổ phiếu lớn dao động.
VN-Index đánh võng liên tục trong phiên hôm nay hầu như chỉ do một vài cổ phiếu lớn dao động.

Với số mã giảm giá nhiều gấp 2,5 lần số tăng giá, VN-Index vẫn có được 2,85 điểm phiên hôm nay nhờ một số mã lớn. Tuy nhiên chính VN30-Index vẫn giảm 2,57 điểm, cho thấy tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” nghiêm trọng.

Độ rộng của VN30 cuối phiên không quá tệ, với 12 mã tăng/16 mã giảm, nhưng bản thân chỉ số này giảm 0,17% ngay cả khi loạt cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn tăng. VIC, VCB, VHM, CTG, GAS... chủ đạo kéo VN-Index.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng dường như vẫn tỏ ra mạnh nhất, nhưng độ phân hóa rất khó đoán. VCB tăng nhẹ 0,91%, yếu hơn một số mã ngân hàng khác, nhưng thực chất lại là vượt lên đỉnh cao lịch sử mới. Trong khi đó CTG tăng 1,33% lại là một phiên kiểm định đỉnh lịch sử rất bấp bênh. Cổ phiếu này ban đầu tăng 3,8%, thiếu chút nữa là vượt đỉnh, nhưng cuối phiên lại co về, chỉ còn tăng 1,33%.

Số lượng cổ phiếu ngân hàng tăng giá hôm nay không nhiều, ngoài VCB và CTG, chỉ có ACB tăng 1,12%, LPB tăng 2,26%, MBB tăng 0,24%, SHB tăng 0,37%. Các mã còn lại trên cả ba sàn đều giảm giá.

Hiện tượng phân hóa quá mạnh cũng diễn ra ở khắp các nhóm cổ phiếu khác. Dầu khí là ví dụ, GAS tăng 2,02% nhưng PLX giảm 0,88%, PVD giảm 1,92%, PVS giảm 1,34%, PVT giảm 2,78%... Nhóm chứng khoán cũng tương tự với BSI, CTS, EVS, SSI, MBS, ORS tăng, nhưng hàng chục mã khác trong nhóm lại giảm.

Theo nhóm vốn hóa, ngoài VN-Index tăng, VN30 lại giảm, Midcap cũng giảm 0,5% với số mã giảm gấp 2,3 lần mã tăng; Smallcap giảm 0,77% với số mã giảm gấp 3,8 lần số tăng. Với cơ cấu thị trường như vậy, cổ phiếu tăng giá hoàn toàn mang tính chất cá biệt.

Nhóm đi ngược dòng hôm nay hầu hết là các mã đầu cơ nhỏ. Thậm chí nhóm kịch trần nhiều mã thanh khoản khá tốt như VOS, HID, FIT, VTO, DAH. Tuy vậy cũng khó có thể nói rằng dòng tiền đổ vào các cổ phiếu vừa và nhỏ, thực tế thanh khoản ở các nhóm này còn giảm mạnh.

Dòng tiền co rút bất ngờ trong phiên hôm nay. Giao dịch không chỉ giảm ở HoSE mà còn tụt mạnh trên HNX. Sàn này khớp có 1.998,9 tỷ đồng, giảm 26% so với phiên trước. HoSE khớp 16.673 tỷ đồng, giảm 13%. Ngưỡng giao dịch loanh quanh 16 ngàn tỷ đồng là điều khó tưởng tượng trên sàn HoSE vì mức này quá thấp, không xứng đáng với quy mô hàng trăm ngàn tài khoản mở mới hàng tháng. Tuần trước ngưỡng 20 ngàn tỷ đã là giảm nhiều so với đỉnh, lúc này chỉ bằng hơn một nửa. Rổ VN30 phiên này giảm 12%, Midcap giảm 18%, Smallcap giảm 11%. Thanh khoản giảm chung ở khắp các nhóm cổ phiếu, giảm trên cả hai sàn cho thấy nhà đầu tư tiếp tục giảm giao dịch.

Một số cổ phiếu vẫn thu hút được dòng tiền khá tốt, trong đó nổi bật là CTG với 24,59 triệu cổ phiếu trị giá hơn 1.326 tỷ đồng, CTG cũng là mã hiếm hoi trong nhóm ngân hàng tăng được thanh khoản. Lượng khớp hôm nay cao hơn hôm qua 45% và cũng cao hơn bình quân 20 phiên khoảng 50%. Tuy vậy CTG có một phiên kiểm định đỉnh cao lịch sử và giá thoái lui đáng kể (giảm 2,38% so với đỉnh) nên rất có thể thanh khoản lên mức cao nhất 23 phiên là tín hiệu chốt lời. HPG cũng thanh khoản vượt 1.000 tỷ đồng với 19,9 triệu cổ, nhưng cũng chỉ bằng một nửa ngưỡng bình quân.

Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 183 tỷ đồng là điểm sáng phiên này. SSI, VHM, VCB, GAS, STB, DXG là các mã được mua ròng rất tốt. Phía bán có MBB, VPB, CTG, VIC. Đây là phiên mua ròng khá lớn thứ hai liên tiếp. Hôm qua khối này đã giải ngân ròng HoSE khoảng 164 tỷ đồng.

Chuyên đề