VN-Index giảm mạnh, nhà đầu tư tìm đến thị trường phái sinh

(BĐT) - Chỉ tính từ đầu tháng 7 đến phiên giao dịch ngày 11/7, thanh khoản trên thị trường phái sinh đạt 1.192.168 hợp đồng tương lai (HĐTL) được khớp lệnh, với giá trị giao dịch khoảng 106.411 tỷ đồng. 
Theo số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị giao dịch chứng khoán phái sinh đạt 563.911 tỷ đồng. Ảnh: Chí Cường
Theo số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị giao dịch chứng khoán phái sinh đạt 563.911 tỷ đồng. Ảnh: Chí Cường

Cũng trong khoảng thời gian này, thanh khoản của thị trường chứng khoán cơ sở (VN-Index) mới chỉ đạt 27.449 tỷ đồng. Kể từ tháng 4, khi VN-Index liên tục sụt giảm, thị trường chứng khoán phái sinh đang là đích đến của nhà đầu tư.

Thanh khoản thị trường phái sinh liên tục tăng trưởng

Theo số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, tổng khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch phái sinh đạt lần lượt 5.537.761 HĐTL và 563.911 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch bình quân 6 tháng 2018 đạt 45.767 HĐTL/phiên, gấp 4,18 lần so với năm 2017. Trong tháng 5 và 6/2018 thanh khoản thị trường tăng mạnh, đạt lần lượt 74.567 HĐTL/phiên với giá trị bình quân 7.387 tỷ đồng/phiên và 94.568 HĐTL/phiên với giá trị bình quân 9.208 tỷ đồng/phiên.

Bức tranh thanh khoản tại thị trường phái sinh tương phản rõ nét với thị trường cổ phiếu. Cụ thể, trong tháng 5/2018, thanh khoản bình quân của VN-Index (không tính thỏa thuận đột biến 267,8 triệu cổ phiếu VHM trị giá 30.700 tỷ đồng trong phiên 18/5) đạt 159,7 triệu đơn vị/phiên, giá trị bình quân 4.884 tỷ đồng/phiên, giảm 26,7% về khối lượng và 33% về giá trị so với tháng 4/2018. Còn thanh khoản bình quân tháng 6 chỉ đạt 16,58 triệu đơn vị/phiên, giá trị bình quân 4.807 tỷ đồng/phiên.

Thị trường chứng khoán phái sinh không chỉ ghi nhận thanh khoản tăng vọt, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng mạnh, đặc biệt trong tháng 5 và tháng 6. Chỉ tính riêng tháng 6, khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đã bằng 1/3 tổng khối lượng giao dịch của khối này trong 6 tháng đầu năm. Tổng khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2018 đạt 13.567 hợp đồng, chiếm 0,12% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường. Tổ chức nước ngoài bắt đầu tham gia giao dịch từ tháng 4, trong 3 tháng qua đã giao dịch với khối lượng 2.209 hợp đồng.

Tìm kiếm lợi nhuận từ chứng khoán phái sinh

Trước diễn biến khối lượng và giá trị giao dịch các HĐTL tăng đột biến, không ít nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu cơ sở cho rằng, kênh đầu tư phái sinh thu hút dòng tiền lớn từ chứng khoán cơ sở, qua đó có thể làm cho đà giảm của cổ phiếu sâu hơn, khả năng hồi phục cũng sẽ trễ hơn.

Theo ông Trần Xuân Bách, Chuyên viên Phân tích kỹ thuật cao cấp của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), khối lượng vị thế mở cuối kỳ (OI, tức số lượng hợp đồng đang lưu hành) mới là chỉ dẫn cho biết dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán phái sinh. Còn giá trị giao dịch bao gồm cả mua đi bán lại t+0 sẽ không được chính xác và không phản ánh được dòng tiền. Vì nhà đầu tư có thể thực hiện mua đi bán lại nhiều lần trong một phiên giao dịch. Trong giai đoạn thị trường biến động mạnh như hiện nay, việc giao dịch trong ngày rất lớn sẽ đẩy khối lượng lên cao. Thứ hai, đòn bẩy trên thị trường chứng khoán phái sinh cũng cao do tỷ lệ ký quỹ thấp (khoảng 13,5%). Vì vậy, một lượng tiền nhỏ được đưa vào thị trường cũng khếch đại được khối lượng và giá trị giao dịch lên. Khối lượng OI liên tục tăng trong thời gian qua cũng cho thấy dòng tiền chảy sang là tương đối.

“Trong khi thị trường chứng khoán cơ sở đang bị giảm mạnh từ tháng 4 trở lại đây thì trên thị trường phái sinh, cơ hội sinh lời vẫn cao ngay cả khi thị trường giảm mạnh, bởi nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận bằng cách mở vị thế bán - bán hợp đồng tương lai khi đánh giá xu hướng giảm giá tiếp diễn. Vì vậy, dòng tiền sẽ dịch chuyển để tìm cơ hội sinh lời” - ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu kinh tế của Công ty CP Chứng khoán MB nhận định.

Chuyên đề