Tính đến cuối quý II/2024, Công ty CP Phát triển nhà và đô thị Vinahud lỗ lũy kế 241 tỷ đồng. Ảnh: Thế Anh |
Gánh nặng nợ vay
Tháng 4/2023, Vinahud nhận chuyển nhượng 100% cổ phần Mê Linh Thịnh Vượng (giá vốn 659,520 tỷ đồng) với giá 950 tỷ đồng và 83% cổ phần Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends (giá vốn 340,3 tỷ đồng) với giá 987 tỷ đồng từ Tập đoàn R&H. Ngay sau thương vụ diễn ra, Vinahud dùng toàn bộ quyền tài sản Hợp đồng chuyển nhượng mua bán cổ phần, cổ phần sở hữu tại Mê Linh Thịnh Vượng, Đầu tư và Xây dựng Friends sau mua bán và các tài sản thuộc 2 công ty này để bảo đảm cho nghĩa vụ tín dụng của Công ty tại TPBank mức vay 1.710 tỷ đồng.
Hai thương vụ M&A diễn ra trong năm 2023 này có ý nghĩa lớn với Tập đoàn R&H, khi diễn ra không lâu trước khi 3 lô trái phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá 2.500 tỷ đồng của Tập đoàn đáo hạn, gồm lô ký hiệu RHGCH2123002 (1.000 tỷ đồng) đáo hạn ngày 14/4/2023, RHGCH2123003 (1.000 tỷ đồng) đáo hạn ngày 25/4/2023 và RHGCH2123004 (500 tỷ đồng) đáo hạn ngày 3/5/2023. Tổ chức tư vấn và đại lý phát hành cho cả 3 lô trái phiếu này là Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS). Một số nhà quan sát cho rằng, Tập đoàn R&H đã đảo nghĩa vụ nợ sang cho Vinahud.
Tập đoàn R&H và Vinahud dù là 2 pháp nhân độc lập nhưng có mối liên hệ khăng khít khi Chủ tịch HĐQT Vinahud - ông Trương Quang Minh là cổ đông lớn của Tập đoàn R&H. Bên cạnh đó, cả 2 doanh nghiệp còn có chung Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Minh Tuấn.
Trở lại thương vụ chào bán sẽ thảo luận tại ĐHCĐ ngày 5/9 tới đây, đối tượng dự kiến nhận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ Mê Linh Thịnh Vượng của Vinahud là Công ty CP VNC Construction, có tên ban đầu là Công ty CP R&H Construction. Giấy đăng ký kinh doanh VNC Construction từng ghi nhận vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Trương Quang Minh và Nguyễn Minh Tuấn đảm nhiệm. Mối quan hệ khăng khít giữa 2 bên còn được thể hiện tại Nghị quyết 97.2/2023/NQ/VINAHUD-HĐQT tháng 6/2023 của Vinahud để thông qua phát hành các cam kết, bảo lãnh và sử dụng các tài sản để bảo đảm cho nghĩa vụ tín dụng của VNC Construction tại TPBank.
Theo tài liệu cho cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường ngày 5/9, nếu thương vụ này thành công, Vinahud sẽ sử dụng số tiền thu được để thanh toán trước hạn một phần/toàn bộ khoản vay của Công ty tại TPBank.
Tính đến cuối quý II/2024, số dư tiền của Vinahud chỉ còn khoảng 5 tỷ đồng, trong khi đó, nợ vay ngắn hạn là 328 tỷ đồng (gồm 90 tỷ đồng vay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Đại La, 67,8 tỷ đồng vay cá nhân và 166,5 tỷ đồng vay đối tượng khác). Vinahud có 2.300 tỷ đồng vay dài hạn, trong đó có 1.986 tỷ đồng vay từ TPBank, 302 tỷ đồng từ Tập đoàn R&H và 12 tỷ đồng vay cá nhân.
Lỗ lũy kế hơn 241 tỷ đồng
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, Vinahud ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 69,4 tỷ đồng, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2023. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Vinahud báo lỗ ròng hơn 55 tỷ đồng. Đây là quý thứ năm liên tiếp doanh nghiệp này ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Vinahud ghi nhận doanh thu thuần đạt 119 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước và lỗ sau thuế 106,5 tỷ đồng.
Doanh thu bán hàng thấp cùng với chi phí tài chính (chủ yếu lãi vay) ở mức cao là nguyên nhân khiến Vinahud không chỉ lỗ ròng trong nửa đầu năm 2024 mà cả năm 2023 (lỗ 163,7 tỷ đồng). Tính đến cuối quý II/2024, tổng số lỗ lũy kế của Vinahud là 241 tỷ đồng.
Kế hoạch năm 2024, Vinahud phấn đấu đạt doanh thu 557,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 19 tỷ đồng. Năm 2024, Ban lãnh đạo Công ty cho biết sẽ nỗ lực thực hiện kế hoạch kinh doanh có lãi trên cơ sở tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có, mở rộng hoạt động với các thế mạnh hiện hữu, tìm kiếm đối tác chiến lược để bổ sung nguồn tài chính, bán vốn hoặc cùng phát triển các dự án bất động sản.