Hệ sinh thái các dịch vụ số của Viettel là một trong những yếu tố thu hút khách hàng chuyển đổi 4G. |
Những ngày đầu năm 2023, rất hiếm khi anh Trương Đình Điệp, Giám đốc Viettel huyện Con Cuông (Nghệ An) có mặt tại văn phòng. Phần lớn thời gian trong ngày anh cùng với đội ngũ của mình chia nhau lên từng thôn bản để tiếp xúc người dân, phối hợp với chính quyền để tuyên truyền và trực tiếp thực hiện chuyển đổi khách hàng sử dụng điện thoại di động từ 2G lên 4G, sẵn sàng cho việc tắt sóng 2G của Bộ Thông tin & Truyền thông trong năm 2024.
Từ phổ cập di động đến phổ cập 4G
Với đặc thù của một huyện miền núi, giáp biên với Lào, cư dân huyện Con Cuông chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sống phân tán với mật độ chưa đến 47 người/km2. Để đưa 4G đến với đồng bào, anh Điệp và anh em Viettel phải đi từ sáng cho đến 9-10 giờ đêm mới trở về.
“Có những ngày chỉ chuyển đổi được 3 khách hàng, bán được 1 chiếc máy 4G. Người dân chưa dùng smartphone, chưa hiểu được các lợi ích theo chủ trương của Nhà nước, nên giai đoạn đầu rất khó thuyết phục”, anh Điệp chia sẻ. Mặc dù các chính sách để chuyển đổi sang smartphone sử dụng 4G của Viettel khá hấp dẫn, từ việc mua máy 0 đồng đến giảm giá trực tiếp hàng triệu đồng cho các mẫu điện thoại hỗ trợ 4G, nhưng người dân ở đây không quan tâm.
Chỉ đến khi tận mắt trải nghiệm những dịch vụ mới trên smartphone như xem YouTube, chuyển tiền Viettel Money, xem TV360 miễn phí, nhu cầu “đổi điện thoại” hoặc “bật 4G lên” mới được khách hàng xem xét. Kiên trì đến từng bản làng, phối hợp cùng với chính quyền địa phương, cách làm của Viettel Con Cuông thay đổi cách người dân huyện vùng cao này tiếp cận với các dịch vụ số trên nền tảng smartphone nhanh hơn. Mức độ hoàn thành chuyển đổi sim điện thoại từ 2G lên 4G trong năm đạt 120% so với kế hoạch.
“Thành công lớn nhất là thay đổi được tư duy của người dân, bỏ chiếc điện thoại 2G để chuyển lên 4G”, Giám đốc Viettel Con Cuông nói. Cùng với quá trình chuyển đổi đó, những dịch vụ số về ví điện tử, thanh toán số,… cũng được triển khai đồng bộ giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp địa phương, các điểm bán hàng và người dân trên địa bàn. Dịch vụ số, bằng một cách rất tự nhiên, theo các dịch vụ viễn thông len lỏi vào mọi lĩnh vực của cuộc sống ở huyện vùng cao này.
Tinh thần “bật 4G” giúp người dân chuyển đổi từ 2G có điều gì đó ít nhiều giống cách điện thoại di động đến với vùng sâu này. 20 năm trước, Viettel Mobile chính thức tham gia thị trường. Ước mơ của những người Viettel khi đó khá ngắn gọn: “Mỗi người Việt Nam có một chiếc điện thoại di động”.
Không ít người coi đây là điều không tưởng bởi khi đó hòa mạng di động mất cả cả chỉ vàng và gọi một phút điện thoại sẽ “bay” luôn 2 bát phở (giá phở ở Hà Nội và TP.HMC). Và cũng sẽ rất khó tưởng tượng những người dân ở vùng cao khi đó có thể được sử dụng di động, khi mà tiền “nuôi” điện thoại có thể bằng với chi phí sinh hoạt của một người (vài trăm nghìn đồng).
Thế nhưng, sau 2 năm Viettel tham gia thị trường di động, mật độ sử dụng của người dân Việt Nam tăng từ 4% lên 95%: di động không còn chỉ dành cho người giàu mà đã cho mọi người.
‘Xóa mù data’ và hành trình dài ở phía trước
Sau khi phổ cập di động, việc “xóa mù data” khi xã hội số hình thành là một sứ mệnh khác mà Viettel theo đuổi. Năm 2009, 3G được cung cấp tại Việt Nam với tốc độ kết nối cao, được coi là phương tiện nhanh và tiện lợi để phổ cập Internet. Những thiết bị DCOM-3G do Viettel sản xuất lần đầu xuất hiện đem đến cơ hội cho 19 triệu hộ gia đình chưa tiếp cận với các kết nối Internet có dây. Tiếp đó là làn sóng 4G với tốc độ nhanh gấp hàng chục lần được Viettel phủ sóng toàn quốc ngay khi khai trương giúp cho việc phổ cập data bùng nổ.
Theo báo cáo của Cục Viễn thông và doanh nghiệp (Bộ TT&TT), Việt Nam hiện có 93,8 triệu thuê bao 4G và 5G năm 2023, trên tổng dân số 100,3 triệu. Báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Q&Me: 80% người được khảo sát sử dụng ít nhất một ứng dụng ngân hàng trực tuyến, 70% có sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử cho các nhu cầu mua sắm từ hàng hóa đến đồ ăn, dịch vụ giao thông…
Thế nhưng, Viettel không dừng ở việc “xoá mù data” trong nước.
Dịch vụ di động của Viettel ở được thiết kế để trở nên dễ tiếp cận với học sinh. |
Tại Maputo – thủ đô của Mozambique, Kaylani, 14 tuổi, học sinh trường Trung học Molana, từng phải đối mặt với việc thiếu sách vở khi đi học và phải dùng chung sách với hơn chục bạn cùng lớp. Cô gái nhỏ thường phải đi bộ hàng cây số để sang nhà bạn mượn sách.
Thế nhưng, kể từ khi sóng 3G/4G của Movitel (thương hiệu Viettel tại đây) được phủ sóng khắp nơi, vấn đề này đã được giải quyết. “Không như các mạng khác, Movitel có nhiều gói cước 3G/4G giá rẻ dành riêng cho học sinh. Nhờ đó em có thể truy cập các tài liệu học tập, kết nối với bạn bè, khám phá thế giới trên mạng Internet mà không gặp bất kỳ cản trở nào”, Kaylani kể.
Từ thành thị đến nông thôn, tình trạng thiếu hụt sách do ngân sách cho giáo dục hạn hẹp đã biến những chiếc điện thoại thông minh trở thành nguồn cung cấp tri thức phổ biến ở Mozambique, và mạng 3g/4G giá rẻ của Movitel chính là lời giải.
Nhưng không chỉ có các học sinh mới hưởng lợi từ điều này. Nhiều nông dân tại làng Cayave (Maputo) – nơi chưa có điện lưới quốc gia, cũng thường xuyên lên mạng Internet để xem thời tiết, tìm hiểu về cách phòng bệnh, trồng trọt… để tìm ra cách tăng năng suất. Họ cũng có thể lên mạng chia sẻ kinh nghiệm với nhau nữa. Movitel không chỉ cung cấp cho họ dịch vụ viễn thông, “xoá mù data” mà đem đến cho họ phương tiện để thay đổi cuộc sống.
Đó cũng là lý do ông Roque Silva Samuel - Tổng thư ký Đảng Frelimo nhận định về việc phổ cập công nghệ của thương hiệu này là: “Movitel đã liên kết người dân đất nước Mozambique bằng điện thoại và Internet. Những đóng góp của Movitel với Mozambique không chỉ dừng lại ở việc cung cấp một hạ tầng viễn thông, kết nối con người mà còn là phương tiện để phát triển kinh tế và phát triển con người”,
Chia sẻ về hành trình phổ cập dịch vụ viễn thông của Viettel, ông Tào Đức Thắng – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc nói: “35 năm hình thành và phát triển, Viettel đã nhiều lần tham gia vào quá trình tạo ra các cuộc bùng nổ và phổ cập các dịch vụ viễn thông và công nghệ. Viettel đã góp phần làm nên cuộc cách mạng về di động, Internet băng rộng ở Việt Nam. Giờ đây, Viettel sẽ góp phần bùng nổ về điện toán đám mây, phổ cập hóa hạ tầng dữ liệu để góp phần vào phát triển kinh tế số của cả Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác mà chúng tôi đang đầu tư”.