Vietnam Report: Thị trường chứng khoán sẽ tăng giảm đan xen trong nửa cuối năm nay

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo kết quả khảo sát của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) tiến hành trong tháng 4 - 5/2023, 55,6% số doanh nghiệp đánh giá thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ tăng giảm đan xen trong nửa cuối năm nay; trong khi 22,2% số doanh nghiệp nhận định, thị trường ở trạng thái trầm lắng, thanh khoản cầm chừng. Nhiều chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng, TTCK có những tín hiệu để kỳ vọng vào diễn biến tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023.

Cũng theo kết quả khảo sát các chuyên gia và doanh nghiệp của Vietnam Report, một số yếu tố có thể gây ra những tác động lớn trên TTCK Việt Nam trong năm nay đã được chỉ ra.

Những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến TTCK năm 2023 Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 4-5/2023

Những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến TTCK năm 2023

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 4-5/2023

Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra, 100% số chuyên gia và doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng thuận rằng, triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam là yếu tố quan trọng nhất tác động tới TTCK năm 2023; trong đó, 85,7% cho rằng tác động là tích cực, 14,3% lo ngại việc không đạt được các mục tiêu như kế hoạch sẽ gây ra tác động tiêu cực đến tâm lý chung toàn thị trường.

Theo Vietnam Report, kinh tế trong nước vẫn trong giai đoạn phục hồi nhưng có biểu hiện giảm tốc. Mặc dù vậy, xét trong tương quan với nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng. Nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, nhận định đây là điểm đến đầu tư lý tưởng với kinh tế vĩ mô ổn định, dư địa chính sách tài khoá còn lớn, vẫn có tiềm năng tăng trưởng và phát triển, do đó sẽ là yếu tố tạo đà cho TTCK.

Dựa trên kết quả khảo sát, 100% các doanh nghiệp thống nhất việc Trung Quốc gỡ bỏ chính sách Zero Covid, mở cửa trở lại là yếu tố tác động lớn đến TTCK trong năm nay. Trong đó, 71,4% số doanh nghiệp đánh giá đây là yếu tố tích cực, 28,6% còn lại cho rằng động thái này mang lại cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp đại chúng.

Về mặt tích cực, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng là một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhất của cả nước. Trong năm 2022, khi Trung Quốc thực hiện phong tỏa nhằm hạn chế Covid-19, thị trường nước này vẫn chiếm khoảng 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và 33,1% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Do đó, việc quốc gia này mở cửa trở lại mở ra nhiều kỳ vọng giúp nối lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy, phần nào giảm áp lực lên chi phí sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, tăng sự liên kết giữa nền kinh tế Việt Nam và kinh tế khu vực, chẳng hạn như kết nối cơ sở hạ tầng, logistics…

Ở chiều hướng ngược lại, mặc dù tốc độ tăng trưởng quý I/2023 của Trung Quốc cao hơn dự báo, tuy nhiên, sự khôi phục của nền kinh tế này hiện vẫn chưa đồng đều và chủ yếu dựa vào tiêu dùng nội địa. Thêm nữa, Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với tiêu chuẩn hàng hóa cả xuất khẩu và nhập khẩu khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu đối với thị trường này sẽ trở nên khó khăn hơn.

Đẩy mạnh đầu tư công vẫn luôn là chất xúc tác cho thị trường trong vài năm trở lại đây. 57,1% số chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng tham gia khảo sát của Vietnam Report tiếp tục đặt niềm tin đây sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp nói riêng và TTCK nói chung.

Nguồn: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Nguồn: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Với quy mô đầu tư lớn, khối ngoại có khả năng tác động đến TTCK thông qua việc mua/bán ròng cổ phiếu, từ đó tạo ra sự dao động mạnh của giá cổ phiếu, ảnh hưởng đến thanh khoản và tâm lý nhà đầu tư.

Năm 2022, khi tâm lý tiêu cực lấn át khiến nhóm nhà đầu tư cá nhân bán ròng chủ yếu trên thị trường thì nhà đầu tư nước ngoài lại mua ròng mạnh mẽ khoảng 29.200 tỷ đồng và trở thành điểm sáng của thị trường. Xu hướng mua ròng của khối ngoại chững lại từ giai đoạn cuối tháng 2. Đáng chú ý, từ đầu tháng 4 đến nay, dòng tiền khối ngoại đã đảo chiều sang bán ròng đến hơn 3.500 tỷ đồng trên HoSE, dẫn đến quy mô mua ròng từ đầu năm bị thu hẹp xuống còn chưa đến 2.400 tỷ đồng.

Ở thời điểm hiện tại, mức định giá thị trường P/E đã tăng cao hơn so với mức thấp thời điểm tháng 10 - 11/2022 cộng với đó là xu hướng lãi suất của Việt Nam hiện đang ngược chiều so với thế giới khiến các nhà đầu tư ngoại phần nào e ngại nguy cơ chịu áp lực tỷ giá. Bên cạnh đó, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra tác động lên kinh tế thực cũng như thu hẹp nhu cầu đầu tư, khiến dòng vốn ngoại có thể tiếp tục rút khỏi các quỹ đầu tư. Câu chuyện nâng hạng thị trường - yếu tố được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích giúp chứng khoán Việt Nam hút khối ngoại lỡ hẹn sau nhiều năm cũng phần nào giảm đi động lực của dòng vốn nước ngoài.

Tuy nhiên, nhìn về mặt tích cực, một số ý kiến cho rằng, với việc các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng quy mô trên 30.000 tỷ đồng trong khoảng 3 tháng từ tháng 11/2022 đến tháng 1/2023, đồng thời thị trường cũng tăng gần 30% trong cùng giai đoạn, áp lực chốt lời có xu hướng gia tăng và việc bán ròng diễn ra nhằm một phần cân bằng lại cung cầu nên không quá quan ngại.

Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn 8% trong năm ngoái và dự kiến đạt 6,5% trong năm nay - một trong những điểm sáng của khu vực và thế giới - cũng là cơ sở để đặt niềm tin dòng vốn ngoại vẫn có thể tiếp tục quan tâm tới TTCK Việt Nam. Trong khi đó, với nhiều dự báo về xu hướng tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ chậm lại, tỷ giá VND ổn định sẽ xoa dịu đi những lo ngại của các nhà đầu tư ngoại.

Như vậy, bức tranh về dòng vốn ngoại năm nay sẽ là một bức tranh động, đan xen cả tích cực và tiêu cực (theo đánh giá của 71,4% số chuyên gia và doanh nghiệp) và đây cũng là một biến số tác động lớn với TTCK Việt Nam trong thời gian tới.

Chuyên đề