Quang cảnh cuộc họp nhằm thúc đẩy TPP ở Sydney. Ảnh: TTXVN |
Chiều 28/8, cuộc họp các quan chức cấp cao (SOM) của 11 nước còn lại tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khai mạc tại Sydney, Australia, để tìm cách thúc đẩy thỏa thuận này sau khi Mỹ rút khỏi đầu năm nay.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu, tham gia các phiên thảo luận tại cuộc họp.
Phát biểu khai mạc, Trưởng đoàn đàm phán nước chủ nhà Australia, ông Justin Brown tuyên bố mong muốn đạt được các thỏa thuận cuối cùng để TPP có thể đi vào hiệu lực sau Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng, Việt Nam vào tháng 11 tới.
Ông cho rằng từ nay tới thời điểm đó vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết, song Australia cam kết hợp tác với tất cả các nước tham gia TPP hiện nay để sớm đạt được một thỏa hiệp phù hợp lợi ích chung của tất cả các nước.
Tham dự cuộc họp, một số đại diện từ các nước thành viên bày tỏ hy vọng về một kết quả đàm phán nhanh chóng vốn bị lung lay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này hồi tháng 1/2017.
Trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto nhận định khi xu hướng bảo hộ ở nhiều nơi trên thế giới nổi lên, điều đặc biệt quan trọng là 11 nước cần phải duy trì sự đoàn kết và thống nhất để TPP sớm có hiệu lực dù không có Mỹ.
Trong ba ngày, từ 28-30/8, các nhà đàm phán 11 nước sẽ tiến hành các phiên thảo luận nhằm tìm cách sửa đổi văn bản gốc của hiệp định TPP cho phù hợp với tình hình thực tế mới. Trong cuộc họp tháng trước tại Tokyo, Nhật Bản, các nước còn lại tham gia đàm phán TPP đã nhất trí đưa thỏa thuận này đi vào hiệu lực theo một khuôn khổ mới.
TPP được 12 nước (gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam) chiếm tới 40% sản lượng kinh tế toàn cầu ký tháng 2/2016.
Tuy nhiên, theo quy định hiện có trong TPP, thỏa thuận thương mại này chỉ có thể có hiệu lực khi được ít nhất 6 nước chiếm tổng cộng 85% sản lượng kinh tế của 12 nước ban đầu phê chuẩn. Rõ ràng với việc Mỹ, chiếm tới 60% tổng số sản lượng, rút khỏi thì thỏa thuận không thể có hiệu lực.
Do vậy, nội dung TPP cần phải được điều chỉnh lại và việc sửa đổi tới đâu đang là vấn đề cần thảo luận giữa 11 nước còn lại.