Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa cập nhật hồ sơ cho ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh. Ông Quang hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Masan (mã CK: MSN), còn ông Hùng Anh là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Mô tả ban đầu của Forbes về hai doanh nhân này có điểm chung đều là làm giàu tự thân, hoạt động trong lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng và ngân hàng, cũng là lĩnh vực hoạt động chính của Masan và Techcombank.
Ông Nguyễn Đăng Quang. Ảnh: Forbes Việt Nam
Ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh từng là những doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực hàng tiêu dùng tại Đông Âu, trước khi về nước thành lập Tập đoàn Masan và sau đó đầu tư vào Techcombank.
Theo báo cáo quản trị của Masan Group, Công ty cổ phần Masan hiện là cổ đông lớn nhất của tập đoàn này với sở hữu gần 36%. Công ty Masan do ông Quang và ông Hùng Anh là hai cổ đông lớn nhất với sở hữu lần lượt 48,5% và 47,6%. Ngoài phần sở hữu gián tiếp, hai doanh nhân này và người thân cũng sở hữu cổ phần trực tiếp tại cả Masan và Techcombank.
Cổ phiếu MSN của Masan và TCB của Techcombank đều nằm trong Top 10 vốn hóa cao nhất sàn HoSE. Cập nhật tới sáng ngày 26/2, vốn hóa của hai doanh nghiệp này đạt lần lượt 104.102 tỷ và 96.506 tỷ đồng.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup là tỷ phú đầu tiên của Việt Nam được Forbes công nhận năm 2013, với giá trị tài sản 1,5 tỷ USD. Năm 2018, năm thứ 6 liên tiếp ông Vượng có tên trong danh sách này, tài sản của tỷ phú này tăng lên 4,3 tỷ USD, đứng thứ 499 thế giới.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air, hai lần góp mặt trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2017 và 2018, với tài sản trong lần công bố gần nhất là 3,1 tỷ USD, đứng thứ 766.
Hai cá nhân mới xuất hiện là Chủ tịch Hòa Phát - Trần Đình Long và Chủ tịch Thaco - Trần Bá Dương có tài sản lần lượt 1,8 tỷ USD và 1,3 tỷ USD, xếp thứ 1.339 và 1.756 thế giới.
Đầu năm 2018, ông Nguyễn Đăng Quang cũng xuất hiện trong danh sách tỷ phú của Bloomberg với tài sản 1,2 tỷ USD.