Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu kết nối chặt chẽ hơn giữa DN đầu tư nước ngoài với DN trong nước. Ảnh: Hiếu Nguyễn |
Điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư
Đánh giá những thay đổi của nền kinh tế Việt Nam kể từ lần tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2010, ông Borge Brende, Chủ tịch WEF nhận thấy, Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc. GDP đã tăng gần gấp đôi sau 8 năm, giá trị xuất khẩu tăng gấp 3 lần. Tăng trưởng năm nay của Việt Nam được dự báo là khoảng 7%. Vốn hóa của thị trường chứng khoán trong hai năm gần đây tăng gần gấp đôi. Lạm phát ở mức thấp và ổn định. Thương mại tốt và phát triển nhanh. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng. Và quan trọng hơn là tỷ lệ đói nghèo đang giảm nhanh, từ 50% người dân sống trong đói nghèo vào năm 1990 đã giảm xuống còn 3%.
Về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, ông Borge Brende cho rằng, Chính phủ đã có những bước đi tốt trong việc đơn giản hóa thủ tục đầu tư vào Việt Nam, liên tục có cải thiện đáng kể về thứ hạng... Với việc áp dụng các biện pháp mạnh, tỷ lệ nợ công được đưa về mức phù hợp, đảm bảo tính bền vững của nền tài chính; tỷ lệ nợ xấu giảm, cải cách hệ thống ngân hàng đảm bảo tính minh bạch và cởi mở hơn; cải cách DN nhà nước theo hướng tư nhân hóa, tăng cường quản trị những tập đoàn yếu kém... Việt Nam còn được đánh giá là một trong những quốc gia ủng hộ và thúc đẩy mạnh mẽ nhất thương mại tự do với rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương được ký kết. Ở nhiều quốc gia, điều này là không hề dễ dàng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đang trở thành công xưởng của thế giới, là điểm tựa cung ứng sản phẩm trên toàn cầu. Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài với nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Honda, Intel... với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên tới trên 330 tỷ USD. Kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, liên tục tăng trưởng. Nguồn lao động dồi dào, được đào tạo bài bản. Môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có thể ươm mầm nên những DN lớn có thể cạnh tranh với thế giới như Viettel, Vietjet... Với việc tham gia WTO, hàng chục FTA với những đối tác lớn, Việt Nam đang mở ra một thị trường rộng lớn, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cách mạng công nghiệp 4.0 - cơ hội của Việt Nam trong tương lai
Theo Chủ tịch WEF, Chính phủ Việt Nam cần có biện pháp cải cách, mở cửa hơn nữa. Việc mở cửa thị trường giúp các quốc gia cải thiện tính cạnh tranh và tiếp cận thêm nhiều thị trường khác. Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ cần cải tiến hơn nữa chất lượng giáo dục, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường lao động. Việt Nam cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa thị trường vốn...
Đặc biệt, với những biến chuyển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0), việc Việt Nam tiếp cận được công nghệ, tạo dựng được nền kinh tế có thể huy động sức mạnh của toàn dân tham gia tận dụng cơ hội từ CMCN4.0. Những vấn đề như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo… đang ngày càng tạo ra những thay đổi nhanh hơn nữa và tác động lên tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, thay đổi địa chính trị, chuyển sang một trật tự đa khái niệm, ngày càng có nhiều sự thay đổi. Quốc gia nào tận dụng được yếu tố này là những quốc gia sẽ thành công trong tương lai. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa, có chính sách phù hợp, phát huy được cơ hội đang có.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận thấy, Việt Nam hiện tham gia khá rộng vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng chưa sâu, so với khu vực là còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam đặt mục tiêu kết nối chặt chẽ hơn giữa DN đầu tư nước ngoài với DN trong nước. Để làm được điều đó, các DN nước ngoài cũng cần cởi mở chính sách cung ứng, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tập huấn, đào tạo để nâng cao năng lực cung ứng của DN nội. Mặt khác, các DN nội cũng cần chủ động nâng cấp mình, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm... Thành công của DN chính là thành công của Chính phủ.
Để tận dụng được cơ hội phát triển từ CMCN4.0 và tạo dựng được một môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch hấp dẫn các nhà đầu tư, Chính phủ vừa thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử nhằm đi đầu trong nền kinh tế số, hướng tới một nền hành chính minh bạch và hiệu quả - yêu cầu quan trọng bậc nhất của một nền kinh tế thị trường hiện đại. Mục đích là nhằm xây dựng thể chế pháp luật, chia sẻ dữ liệu người dùng; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; hệ thống thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng; khuyến khích khu vực tư nhân phát triển...