Hai Bộ trưởng ký Biên bản Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật giữa hai nước. Ảnh: VGP |
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đưa ra tại Kỳ họp thứ 7 Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật Việt Nam-Indonesia.
Đoàn Phân ban Việt Nam do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu còn phía Indonesia do Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita dẫn đầu.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để đạt được mục tiêu nêu trên, hai bên cần tiếp tục hoàn thiện các khung khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác; hạn chế tối đa việc áp dụng các biện pháp điều tiết thương mại, phòng vệ thương mại đối với sản phẩm của nhau; thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan chức năng của hai nước, nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động trao đổi thương mại, hợp tác kinh tế song phương; tăng cường trao đổi các đoàn xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nêu ra một vấn đề còn tồn tại trong quan hệ thương mại giữa hai nước liên quan đến việc điều tra tự vệ đối với sản phẩm thép cán phẳng (tôn lạnh) của Việt Nam.
“Tôi rất mong Bộ trưởng quan tâm, xem xét, có hành động tích cực để phía Indonesia xem xét đề nghị của phía Việt Nam, chấm dứt việc điều tra gia hạn biện pháp tự vệ, cũng như xem xét điều chỉnh các quy định về quản lý nhập khẩu đối với mặt hàng sắt thép, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu của hai nước”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Bên cạnh đó, liên quan đến hợp tác gạo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, xuất phát từ quan hệ hợp tác thương mại gạo tốt đẹp giữa hai nước trong nhiều năm qua, Việt Nam hi vọng Indonesia sẽ ưu tiên nhập khẩu gạo từ Việt Nam trong trường hợp Indonesia có nhu cầu hoặc trong trường hợp do thiên tai, sản xuất trong nước chưa kịp đáp ứng.
Về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn hai bên cùng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên quan trong lĩnh vực dầu thô, khí, than, triển khai các hoạt động hợp tác, tham gia cung cấp các dịch vụ dầu khí và tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác mới.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, phía Việt Nam cho rằng hai bên cần trao đổi thêm về Hiệp định Vận tải hàng không giữa hai nước để mở thêm các điểm đến, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng giữa hai nước.
“Đặc biệt, tôi đề nghị các cơ quan chức năng của hai nước cùng nghiên cứu, đàm phán mở đường bay thẳng Hà Nội - Jakarta trong thời gian từ nay đến năm 2020”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Enggartiasto Lukita cũngmong muốn Việt Nam hỗ trợ và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư Indonesia tại Việt Nam; đề nghị Việt Nam hợp tác trong lĩnh vực phát triển hồ tiêu, đặc biệt là hồ tiêu trắng; đề nghị cung cấp thông tin về chính sách quản lý nhập khẩu lá thuốc lá của Việt Nam…
Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Indonesia, hai nước đã nhất trí tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn các cấp, tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý và phát triển, nghiên cứu xây dựng các khuôn khổ hợp tác mới trên nhiều lĩnh vực.
Hai bên cũng trao đổi và nhất trí cần hợp tác chặt chẽ hơn để giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quan hệ giữa hai nước. Đồng thời, trao đổi thực chất và nhất trí cùng khuyến khích thúc đẩy kết nối thành phần kinh tế tư nhân của hai nước để phát huy hơn nữa tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Indonesia.
Kết thúc phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thay mặt Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita thay mặt Chính phủ Indonesia đã ký Biên bản Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật giữa hai nước.
Indonesia là nước có nền kinh tế lớn thứ 16 trên thế giới (theo thống kê của World Bank) và cũng là thị trường lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Indonesia hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong ASEAN. Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều tăng từ 4,6 tỷ USD trong năm 2012 lên 5,6 tỷ USD trong năm 2016 với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5%/năm. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam-Indonesia lần lượt đạt 2,6 tỷ USD và 3 tỷ USD.