Việt Nam đóng góp tích cực tại Phiên họp Hội đồng CPTPP lần thứ 8, thúc đẩy hợp tác kinh tế toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phiên họp Hội đồng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) lần thứ 8 và chuỗi các sự kiện liên quan đã được tổ chức từ ngày 26 - 28/11 tại Vancouver, Canada. Phiên họp được chủ trì bởi bà Mary Ng, Bộ trưởng Xúc tiến xuất khẩu, Phát triển kinh tế và thương mại quốc tế Canada, nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của CPTPP trong năm 2024. 
Việt Nam đóng góp tích cực tại Phiên họp Hội đồng CPTPP lần thứ 8, thúc đẩy hợp tác kinh tế toàn cầu

Tại Phiên họp, các thành viên CPTPP đều bày tỏ việc Hiệp định chính thức có hiệu lực với Vương quốc Anh kể từ ngày 15/12/2024 là một dấu mốc quan trọng không chỉ đối với Vương quốc Anh và CPTPP mà cả đối với thương mại toàn cầu nói chung, góp phần quan trọng vào việc nâng cao lợi ích của Hiệp định với các nước CPTPP cũng như các nước quan tâm đến xây dựng quan hệ thương mại và đầu tư dựa trên các quy tắc mở và ổn định. Cho đến nay, đã có 9/11 thành viên CPTPP chính thức hoàn tất quá trình phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh và chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để để có thể thực thi ngay các cam kết từ ngày 15/12/2024.

Cũng tại Phiên họp, các Bộ trưởng đã nghe báo cáo về công tác rà soát thực thi Hiệp định trong năm 2024 và đề ra các chỉ đạo cần thiết về các nội dung cần tập trung hoàn thành trong thời gian tới.

Đối với việc kết nạp thành viên mới, các Bộ trưởng ghi nhận ngày càng có nhiều nền kinh tế quan tâm đến việc gia nhập CPTPP. Điều này cho thấy sức hút cũng như tầm quan trọng ngày càng được mở rộng của CPTPP trong thương mại khu vực và trên thế giới. Tại Phiên họp, các thành viên CPTPP đã thống nhất khởi động quy trình đàm phán gia nhập đối với Costa Rica cũng như thúc đẩy quá trình xem xét đơn xin gia nhập của những nền kinh tế khác, bảo đảm Hiệp định luôn sẵn sàng mở cửa chào đón các nền kinh tế có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao và tuân thủ đúng quy trình, thủ tục gia nhập của Hiệp định.

Trên cơ sở đồng thuận, các Bộ trưởng đã thống nhất thông qua: Tuyên bố Vancouver; Quyết định khởi động đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP đối với Costa Rica; và Quyết định về Danh sách Chủ tịch và Phó Chủ tịch luân phiên CPTPP giai đoạn 2025 - 2031.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Phiên họp

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Phiên họp

Đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, được các nước ghi nhận và đánh giá cao, góp phần vào các kết quả thành công chung của Phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy rà soát Hiệp định để Hiệp định tiếp tục giữ vị thế “tiêu chuẩn vàng” và là minh chứng điển hình cho FTA thế hệ mới. Với ý nghĩa và mục tiêu đó, hoạt động rà soát thực thi Hiệp định không chỉ mang tính tổng kết những việc đã làm được, mà còn làm rõ những vấn đề mới nổi để cùng nhau thảo luận, bàn giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa Hiệp định với sự phát triển không ngừng và không đều của các nền kinh tế trong khu vực và thế giới trên cơ sở tôn trọng những điểm khác biệt của mỗi nước thành viên.

Phiên họp Hội đồng cấp Bộ trưởng Hiệp định CPTPP lần thứ 9 sẽ được tổ chức trong năm 2025 do Australia giữ vai trò Chủ tịch và Việt Nam cùng Canada giữ vai trò Phó Chủ tịch.

Do vậy, để hoạt động rà soát thực thi Hiệp định đạt được hiệu quả cao hơn, nhất là trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, Bộ trưởng đề nghị các thành viên CPTPP xác định những vấn đề ưu tiên và hài hòa hóa các sáng kiến để tập trung thảo luận và từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp cụ thể, khả thi. Bên cạnh đó, để kịp thời hỗ trợ các nước xử lý khối lượng công việc khổng lồ trong thời gian tới, Bộ trưởng cũng đề nghị Hội đồng xem xét cho thành lập Ban Thư ký CPTPP từ năm 2025.

Bộ trưởng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động và tích cực phối hợp chặt chẽ với các thành viên CPTPP trong tất cả các hoạt động của Hiệp định trong thời gian tới, góp phần củng cố vị thế của Hiệp định là FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, là hình mẫu hợp tác kinh tế mang tính toàn cầu của thế kỷ 21, và đem lại nhiều lợi ích thiết thực hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân của các nước thành viên.

Chuyên đề