Lao động ngành thuỷ sản Việt Nam. Ảnh: KD. |
"Các vấn đề thương mại giữa Việt Nam và Mỹ cần được giải quyết trên cơ sở phù hợp với quan hệ Đối tác Toàn diện đang phát triển tốt đẹp, theo các quy định của Tổ chức thương mại thế giới WTO và công bằng cho các bên liên quan", bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay. Bà Hằng trả lời câu hỏi về việc Mỹ công bố các biện pháp bảo hộ thương mại, liên quan đến một số mặt hàng của Việt Nam.
Theo Người phát ngôn, thời gian qua quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Mỹ tiếp tục phát triển, hai bên tiếp tục phối hợp xử lý các vấn đề quan tâm của nhau.
Giữa tháng ba, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố việc áp thuế chống bán phá giá với cá da trơn của Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD đến 7,74 USD một kg cho giai đoạn rà soát nói trên. Đây là các mức thuế cao nhất từ trước tới nay mà Mỹ áp cho cá tra Việt.
Bộ Công Thương Việt Nam đang phối hợp với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam để trao đổi thông tin và nêu ý kiến với các cơ quan chức năng Mỹ. Bộ cho rằng mức thuế mà Mỹ đưa ra là không khách quan, mang tính bảo hộ quá mức, đề nghị phía Mỹ xem xét, điều chỉnh lại cách xác định mức thuế đối với các công ty liên quan của Việt Nam trên nguyên tắc khách quan, công bằng và tuân thủ quy định của WTO.
Với tôm xuất khẩu của Việt Nam, DOC đầu tháng ba cũng thông báo mức thuế chống bán phá giá cao gấp 21 lần. Kết quả sơ bộ vụ kiện chống bán phá giá với tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) (từ ngày 1/2/2016 đến 31/1/2017) mà DOC ban hành, mức thuế mà các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu là 25,36%. Đây được cho là mức thuế cao nhất từ trước đến nay của tôm Việt Nam và cao gấp nhiều lần mức thuế các lần xem xét trước đó.
VASEP cho biết đã ra thông cáo yêu cầu DOC nhanh chóng xem xét lại mức thuế chống bán phá giá vừa công bố đối với mặt hàng tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vì có sai sót trong tính toán. Mặc dù kết quả sơ bộ chưa có hiệu lực và chưa được áp dụng cũng như có thể thay đổi trong kết quả cuối cùng, nhưng đã tác động không ít đến tâm lý của các nhà nhập khẩu tại Mỹ. Theo VASEP, động thái sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu tôm vào Mỹ của các doanh nghiệp Việt Nam, tác động đến các giao dịch mua bán giữa hai bên, đặc biệt trong thời gian chờ đợi DOC công bố kết quả cuối cùng.
Năm 2017, trong khi xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường đều tăng mạnh với giá xuất khẩu cao thì sang thị trường Mỹ lại giảm 7% còn 659 triệu USD do ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá. Mỹ đã mất vị trí dẫn đầu, trở thành thị trường đứng thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Với mặt hàng thép và nhôm, Bộ trưởng Thương mại Mỹ (DOC) cho biết Tổng thống Trump sẽ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép và nhôm từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam vì lý do "an ninh quốc gia". Phán quyết này sẽ được đưa ra trước ngày 11/4.
Theo đề xuất của DOC, Việt Nam nằm trong 12 quốc gia sẽ phải chịu mức thuế suất cao nhất 53%, các nước còn lại mức 24%. Đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, do thép, nhôm Việt chiếm tỷ lệ không đáng kể trong tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nhập vào Mỹ, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ nước này cân nhắc kỹ việc áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu nêu trên. Việc này cũng nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của WTO và thông lệ quốc tế, không làm ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa hai nước.