“Viên ngọc sáng” đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách cùng với hàng loạt hoạt động nhằm thúc đẩy kết nối đổi mới sáng tạo (ĐMST), Việt Nam đang trở thành “viên ngọc sáng” thu hút đầu tư khởi nghiệp ĐMST của khu vực và thế giới. Nhờ đó, những “hạt giống” được ươm mầm đang từng bước phát triển, vươn tầm…
Khởi nghiệp chỉ với vài nhân lực, hiện OhmniLabs đã phát triển và triển khai được hệ thống dịch vụ robot lớn nhất thế giới với hơn 4.000 robot vận hành tại hơn 40 quốc gia
Khởi nghiệp chỉ với vài nhân lực, hiện OhmniLabs đã phát triển và triển khai được hệ thống dịch vụ robot lớn nhất thế giới với hơn 4.000 robot vận hành tại hơn 40 quốc gia

Những “hạt giống” nảy mầm

“Hưởng ứng lời kêu gọi trở về góp phần bé nhỏ của mình hiện thực hóa cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cho đất nước, OhmniLabs đã xây dựng một trụ sở nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam, từ đó chúng tôi phát triển và hình thành công ty làm bàn đạp vươn ra thế giới”, TS. Vũ Duy Thức, CEO và đồng sáng lập OhmniLabs - startup trong lĩnh vực AI chia sẻ về hành trình “ngược dòng” của trí thức Việt Nam ở nước ngoài.

Anh Thức là một trong số 100 “hạt giống” đầu tiên thuộc Mạng lưới ĐMST Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thành lập năm 2018. Trước đó (năm 2017), anh được Silicon Valley Business Journal vinh danh là một trong 40 nhân vật dưới 40 tuổi có ảnh hưởng lớn nhất tại đây.

Anh cho biết, đến nay, OhmniLabs đã phát triển và triển khai được hệ thống dịch vụ robot lớn nhất thế giới với hơn 4.000 robot vận hành tại hơn 40 quốc gia. Hiện OhmniLabs có khoảng 700 khách hàng là những tập đoàn lớn có giá trị hơn 1 tỷ USD.

OhmniLabs được thành lập vào năm 2015 tại Thung lũng Silicon (Mỹ) với mục tiêu chế tạo, sản xuất và triển khai các robot dịch vụ như: y tế, giáo dục, thương mại… nhằm mang lại cuộc sống có giá trị hơn cho nhiều người dân. “Thời điểm ấy, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đến thăm trụ sở của OhmniLabs ở Thung lũng Silicon. Những ngày đầu khởi nghiệp, Công ty chỉ có vài nhân lực làm việc trong một nhà kho nhỏ bé. Bộ trưởng đã khuyến khích và động viên chúng tôi tiếp tục con đường của mình, đồng thời gửi gắm mong muốn kết nối, xây dựng cộng đồng khởi nghiệp ĐMST Việt Nam”, anh Thức kể. Theo đó, chúng tôi “ngược dòng” xây dựng cơ sở ở quê nhà làm bàn đạp phát triển Công ty với mong muốn Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất và phát triển robot hàng đầu khu vực và trên thế giới.

Cuối tháng 11/2022, Selex Motors đã ra mắt Hệ sinh thái xe máy điện tối ưu cho giao vận đầu tiên tại Đông Nam Á tại Hà Nội. Đây là startup do TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên, CEO, đồng sáng lập. Anh Nguyên cũng là một trong những “hạt giống” đầu tiên của Mạng lưới ĐMST Việt Nam đã từ chối lời mời của các tập đoàn lớn tại Mỹ để trở về với mong muốn cống hiến cho đất nước. Trước đó, anh Nguyên tốt nghiệp lấy bằng Tiến sĩ ngành cơ khí tại Đại học Michigan - một trong 15 trường đại học có ảnh hưởng nhất thế giới.

Anh Nguyên cho biết, trong quá trình khởi nghiệp của Selex Motors, có sự đồng hành rất lớn của Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC) trong việc kết nối và tìm kiếm hàng triệu USD để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Năm ngoái, trong lúc dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhưng Genetica - start up trong lĩnh vực giải mã gen ứng dụng do TS. Cao Anh Tuấn, một thành viên của Mạng lưới ĐMST Việt Nam từ năm 2018 đã ký biên bản hợp tác xây dựng trung tâm giải mã gen lớn nhất Đông Nam Á đặt tại NIC. TS. Cao Anh Tuấn cho biết, chính cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại San Francisco (Mỹ) vào năm 2018 đã khiến ông quyết định đặt đại bản doanh của Genetica tại Việt Nam, thay vì Singapore như dự tính.

Đến nay, rất nhiều “hạt giống” của Mạng lưới ĐMST Việt Nam đã “ngược dòng” trở về đóng góp cho phát triển đất nước. Bởi thế, trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới, Việt Nam nổi lên như một “viên ngọc sáng” thu hút dòng vốn đầu tư khởi nghiệp ĐMST.

Không ngừng kết nối, quy tụ nhân tài, nhân lên giá trị

Mạng lưới ĐMST Việt Nam do Bộ KH&ĐT thành lập năm 2018 tại Hà Nội, có sứ mệnh kết nối, quy tụ nhân tài người Việt Nam trên khắp thế giới đóng góp và phục vụ cho sự phát triển của đất nước. NIC được giao làm đầu mối trao đổi giữa các thành viên trong Mạng lưới.

Từ 100 “hạt giống” ban đầu, đến nay, Mạng lưới ĐMST Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ với hàng nghìn thành viên ở hàng chục quốc gia và gần 10 mạng lưới thành phần ở Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các thành viên của Mạng lưới sẽ là nguồn lực lớn để Việt Nam có thể đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên ở nhiều lĩnh vực trong tương lai. Mỗi thành viên sẽ là người góp phần kiến tạo và hiện thực hóa các khát vọng của Việt Nam. Bởi theo Bộ trưởng, cơ đồ, vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định, nhưng đất nước cũng đang phải đứng trước nhiều thách thức lớn, khó lường. “Chìa khóa” để hóa giải những thách thức này chính là ĐMST. Theo đó, muốn mở khóa thì cần tập hợp, quy tụ sức mạnh của đội ngũ trí thức, nhân tài người Việt tham gia, góp sức hiện thực hóa khát vọng hùng cường.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, là cơ quan tham mưu về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã tham mưu ban hành nhiều giải pháp thúc đẩy ĐMST ở Việt Nam, trong đó có các hoạt động kết nối ĐMST. Dự kiến nhân dịp khánh thành trụ sở của NIC tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc vào tháng 5/2023, Bộ KH&ĐT tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện để thúc đẩy ĐMST Việt Nam, trong đó sẽ tổ chức gặp mặt tất cả các Mạng lưới ĐMST Việt Nam trên khắp thế giới để trao đổi, hiến kế, hành động khai mở tiềm năng ĐMST, đưa đất nước phát triển.

Chuyên đề