Tài xế trả tiền lẻ tại trạm BOT quốc lộ 5 ngày 11/12. |
Ngày 11/12, đại diện Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi - đơn vị quản lý quốc lộ 5) cho biết đã trình Bộ Giao thông các phương án giảm phí lưu thông trên tuyến đường này.
Cụ thể, với phương án thứ nhất, loại xe nhóm một (xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt) sẽ giảm từ 40.000 đồng xuống 35.000 đồng. Xe loại hai (từ 12-30 chỗ ngồi, xe tải 2-4 tấn) giảm từ 55.000 xuống 45.000 đồng. Xe loại 3 (trên 31 chỗ, xe tải 4-10 tấn) giảm từ 75.000 xuống 65.000 đồng. Xe loại 4 (xe tải từ 1-18 tấn, container 20 feet) giảm từ 125.000 đồng xuống 110.000 đồng. Xe loại 5 (xe tải trên 18 tấn, container 40 fit) giảm từ 180.000 xuống 160.000 đồng.
Phương án thứ hai, mức phí đối với xe loại 1 giảm từ 40.000 đồng hiện nay xuống 30.000 đồng. Xe loại 2 xuống 45.000 đồng, loại 3 xuống 65.000 đồng, loại 4 xuống 110.000 đồng, loại 5 xuống 170.000.
Ngoài ra, chủ đầu tư sẽ miễn, giảm giá cho phương tiện của các tổ chức, cá nhân quanh trạm thu phí; các phương tiện giao thông nhóm một không tham gia kinh doanh của người dân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn đặt trạm thu phí và các phương tiện không tham gia kinh doanh của cơ quan hành chính công trên địa bàn.
Các phương tiện kinh doanh của các doanh nghiệp có trụ sở tại địa bàn cũng được giảm giá 20%, trừ các xe đã áp dụng ưu đãi theo vé tháng, vé quý.
Theo đại diện Vidifi, hiện chưa có cơ sở ước tính số tiền thiếu hụt nếu thực hiện miễn giảm giá nên sau khi triển khai nếu dòng tiền thiếu so với phương án tài chính thì doanh nghiệp sẽ đề nghị Nhà nước cấp bù.
Trường hợp Bộ Giao thông Vận tải có chỉ đạo về việc giảm giá dịch vụ với các trạm quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Vidifi kiến nghị Bộ Giao thông báo cáo Chính phủ hỗ trợ các khoản theo quyết định của Thủ tướng, cấp bù khoản thiếu hụt do giảm giá trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Vidifi đang được Nhà nước giao quản lý, sửa chữa quốc lộ 5. Từ năm 2015, Chính phủ giao doanh nghiệp này dùng nguồn tiền thu phí quốc lộ 5 để sửa chữa, bảo trì tuyến đường này và bổ sung vốn cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Hiện nay, doanh nghiệp đã chuyển cho Bộ Giao thông 500 tỷ đồng sửa chữa quốc lộ 5 giai đoạn trước năm 2015 và đang sửa chữa tổng thể tuyến quốc lộ với kinh phí gần 2.000 tỷ đồng đến năm 2020.
Trong khi đó, mỗi năm Vidifi thu được khoảng 500 tỷ đồng từ phương tiện lưu thông trên quốc lộ 5.
Ngày 11/12, một số tài xế ôtô di dùng tiền lẻ trả phí tại trạm thu phí BOT quốc lộ 5, đoạn qua địa phận huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Tình trạng này tái diễn như hồi tháng 9 do nhiều tài xế phản đối mức phí cao và vị trí đặt trạm BOT chưa hợp lý.
Để hạ nhiệt "điểm nóng", UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản gửi liên bộ Giao thông Vận tải và Tài chính đề xuất hàng loạt giải pháp. Trong đó, tỉnh kiến nghị miễn phí cho phương tiện của người dân các xã, thị trấn nằm trong bán kính 5 km quanh trạm.
Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị cơ quan chức năng di chuyển trạm thu phí số 1 tại km18+100 trên quốc lộ 5 về vị trí tiếp giáp giữa tỉnh Hưng Yên và TP Hà Nội, hoặc giữa tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương để hạn chế phương tiện vào đường tỉnh trốn vé.