VIC vượt đỉnh lịch sử, thị trường "xanh vỏ"

0:00 / 0:00
0:00
Dòng tiền vẫn đang đổ vào blue-chips rất mạnh đẩy thanh khoản tại nhóm VN30 lên cao kỷ lục lịch sử ngay trong buổi sáng. Điểm tựa vững chắc tại nhóm này giúp VN-Index có phiên tăng thứ 7 liên tiếp...
VN-Index tăng hôm nay nhưng không vượt qua được đỉnh cao nhất phiên đầu tuần.
VN-Index tăng hôm nay nhưng không vượt qua được đỉnh cao nhất phiên đầu tuần.

Dòng tiền vẫn đang đổ vào blue-chips rất mạnh đẩy thanh khoản tại nhóm VN30 lên cao kỷ lục lịch sử ngay trong buổi sáng. Điểm tựa vững chắc tại nhóm này giúp VN-Index có phiên tăng thứ 7 liên tiếp.

Hiện tượng nghẽn lệnh lại tái diễn ngay cuối phiên sáng. Trước 11h, dòng tiền chảy vào bắt đáy rất mạnh lúc thị trường chùng xuống. Tuy nhiên dòng tiền chảy tập trung, tạo nên sự bứt phá ngoạn mục về giá lẫn thanh khoản ở một số cổ phiếu, đồng thời dẫn đến sự phân hóa đáng kể.

Giao dịch ấn tượng nhất hôm nay là MBB. Cổ phiếu ngân hàng tầm trung này vươn lên dẫn đầu nhóm với mức giao dịch khổng lồ gần 1.034 tỷ đồng giá trị, tương ứng hơn 33,2 triệu cổ phiếu. Cổ phiếu này đang xuất hiện nhiều thông tin tích cực và dòng tiền đổ vào mua, cuốn phăng tất cả áp lực chốt lời ngắn hạn.

Với đà tăng liên tiếp đến ngày T+3 và lợi nhuận gần 11.6% và 8 phiên tăng hơn 14%, lực cung ngắn hạn xuất hiện dồn dập tại MBB. Toàn bộ đà tăng 3,29% hôm nay của cổ phiếu này đến từ khoảng 40 phút giao dịch đầu tiên. MBB đạt đỉnh trong ngày tại 31.450 đồng rất sớm. Toàn bộ thời gian còn lại là cuộc chiến giằng co cung cầu. Nhà đầu tư chốt lời liên tục gây nhiều biến động, nhưng đến cuối phiên bên mua vẫn có được sự chủ động và giữ giá tăng. Thanh khoản của MBB phiên này là cao nhất kể từ đầu năm 2021.

Điểm bất lợi của MBB chính là vốn hóa. Tuy có mức tăng giá tốt nhất nhóm ngân hàng, nhưng MBB chỉ đóng góp khoảng 0,8 điểm cho VN-Index. Thậm chí CTG tăng 2,38% còn nhẹ hơn, nhưng lại đóng góp hơn 1 điểm.

Cổ phiếu dẫn dắt chỉ số hôm nay là VIC, cũng có nhịp tăng quyết định giống MBB ngay đầu phiên. VIC đạt đỉnh ngay thời điểm 10h40 tại mốc 129.500 đồng, tức là vượt qua cả đỉnh cao nhất lịch sử trước đó hồi cuối tháng 8/2019. VIC cũng có được lực mua mạnh mẽ từ nhà đầu tư nước ngoài với hơn 1,58 triệu cổ phiếu trong tổng số gần 2 triệu đơn vị giao dịch.

Lực chốt lời tại VIC kéo khá dài đến tận cuối ngày, nhưng có lẽ ảnh hưởng từ hệ thống giao dịch là điều thiệt thòi nhất cho VIC. Cho đến hết đợt khớp lệnh liên tục, VIC đã tụt nhẹ xuống 128.900 đồng, tức là trả lại thị trường khoảng 0,5% so với đỉnh buổi sáng, nhưng mức tăng còn tốt. Hệ thống nghẽn khiến lệnh vào đợt ATC không đủ, VIC bị 30.000 cổ phiếu ép tụt xuống 127.00 đồng, chỉ còn tăng 2,17% so với tham chiếu nhưng thực chất là giảm 1,93% so với đỉnh. Ngay cả khi mất khá nhiều thì VIC vẫn đóng góp 2,5 điểm cho VN-Index và vẫn đóng cửa tại đỉnh lịch sử mới.

Nếu xét theo nhóm ngành thì hôm nay ngân hàng vẫn là nhóm xuất sắc nhất, dù một số mã giảm giá hoặc tăng kém. Điểm chung là dòng tiền vẫn đang đổ vào cổ phiếu ngân hàng với cường độ rất cao. MBB dẫn đầu thị trường về giá trị khớp lệnh, nhưng STB, CTG cũng không hề kém đều khớp lệnh xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. TCB cũng giao dịch hơn 626 tỷ đồng. 4 cổ phiếu ngân hàng giao dịch sôi động nhất nói trên thu hút gần 3.592 tỷ đồng, chiếm tới gần 42% giá trị cả rổ VN30.

Nhờ nhóm ngân hàng và một số blue-chips khác, rổ VN30 vẫn đang thu hút lượng tiền rất lớn. Nếu hệ thống không nghẽn, hôm nay có thể đã là kỷ lục lịch sử về giá trị của rổ này, vượt qua cả thời điểm tháng 1 vừa qua. Nếu chỉ tính riêng phiên sáng, VN30 đã đạt ngưỡng giao dịch cao nhất từ trước tới nay với 8.260 tỷ đồng.

VN30-Index kết thúc phiên hôm nay tăng 0,44% so với tham chiếu, vẫn là chỉ số mạnh nhất sàn HSX. VN-Index chỉ tăng 0,32%, Midcap tăng 0,28% và Smallcap tăng 0,21%. Tính về độ rộng, VN30 cũng là nhóm mạnh nhất khi còn giữ được sự cân bằng 14 mã tăng/13 mã giảm. Các nhóm cổ phiếu còn lại đều có số giảm giá áp đảo.

Độ rộng nghiêng mạnh về phía giảm ở sàn HSX hôm nay cũng phản ánh một phiên "xanh vỏ đỏ lòng". Ảnh hưởng của VIC là quá lớn. Nếu không có VIC cân bằng lại với VNM giảm 1,07%, MSN giảm 1,18%, SAB giảm 0,84%, GVR giảm 1,41% thì VN-Index chắc chắn đỏ.

Hiện tượng phân hóa tăng giảm diễn ra rất đáng chú ý vì dòng tiền chọn lựa quá kỹ. Các mã mạnh vẫn giao dịch sôi động và phần lớn tập trung vào nhóm không có ảnh hưởng đến chỉ số. 27 cổ phiếu tăng kịch trần toàn các mã ít ảnh hưởng nhưng rất đình đám trong nhóm đầu cơ, như JVC, AMD, TSC, TDG, HAI, TNI...

Nhà đầu tư nước ngoài phiên này xả CTG cực mạnh với gần 7 triệu cổ bán ròng tương đương 298 tỷ đồng. CTG cũng thuộc nhóm vượt đỉnh lịch sử và tăng rất nhanh trong ngắn hạn. Khối ngoại xả chiếm khoảng 35% thanh khoản mã này, còn lại là nhà đầu tư trong nước. Phía mua ròng bộ ba VIC, VHM, VRE đều được rót vốn khá tốt, trong đó VIC mua ròng 140,4 tỷ đồng. HPG, VCI, HDB cũng đều được mua ròng tối thiểu 20 tỷ đồng. Phía bán ròng ngoài VIC còn có VNM (-50,8 tỷ ròng), MSN (-34,7 tỷ), VPB (-31,7 tỷ), SAB (-20 tỷ). Tuy vậy giao dịch bán lớn nhất là VIC, dẫn đến tổng giá trị bán ròng ở HSX khoảng 2,4 tỷ đồng.

Chuyên đề