Vì sao quỹ 100 tỷ USD của SoftBank không đầu tư tại quê nhà Nhật Bản?

Trong số 75 startup "kỳ lân" nhận được đầu tư từ quỹ Vision Fund của SoftBank, không có startup nào của Nhật...
Dù rót vốn hàng chục tỷ USD vào các startup trên thế giới, SoftBank không đầu tư vào startup Nhật - Ảnh: Bloomberg.
Dù rót vốn hàng chục tỷ USD vào các startup trên thế giới, SoftBank không đầu tư vào startup Nhật - Ảnh: Bloomberg.

Quỹ đầu tư 100 tỷ USD Vision Fund của tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) đã đầu tư vào 75 startup "kỳ lân" (định giá từ 1 tỷ USD trở lên) trên khắp thế giới. Tuy nhiên, trong số này không có startup nào của Nhật.

Theo Bloomberg, nguyên nhân có thể là bởi Vision Fund không có nhiều lựa chọn tại Nhật. Trong khi Mỹ có 179 "kỳ lân", Trung Quốc có 93, Ấn Độ có 18 thì Nhật Bản chỉ có 2, theo CB Insights. Vậy, tại sao một quốc gia đi tiên phong với máy nghe nhạc Walkman, robot... lại không có những startup giá trị cao?

Quy định niêm yết đối của chỉ số vốn hoá thấp Tokyo Stock Exchange Mothers Index tương đối thấp. Để gia nhập Nasdaq ở Mỹ, các công ty cần phát hành tối thiểu 1,25 triệu cổ phiếu, trong khi Mothers chỉ yêu cầu 2.000 cổ phiếu. Điều này đồng nghĩa rằng những công ty non trẻ khát vốn vẫn có thể huy động vốn trên thị trường đại chúng một cách dễ dàng, thay vì phải trải qua quá trình thu hút đầu tư thông qua nhiều vòng gọi vốn.

Vấn đề nằm ở quy mô của các công ty khi niêm yết. Công ty càng lớn thì khả năng thu hút được đầu tư từ các tổ chức lớn hơn và ngày càng nhiều hơn. Do còn non trẻ và quy mô nhỏ, 96% trong số 283 công ty thuộc nhóm Mothers chỉ có vốn hoá dưới 1 tỷ USD, so với tỷ lệ khoảng 30% của chỉ số Nasdaq.

Trong vòng 2 năm qua, chỉ có hai "kỳ lân" của Nhật niêm yết trên sàn chứng khoán với kết quả trái ngược. Cổ phiếu của công ty thương mại điện tử Mercari Inc. giảm giá 4% kể từ khi huy động được 1,2 tỷ USD trong đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 6/2018. Còn cổ phiếu công ty giải pháp quản lý doanh nghiệp Sansan Inc. tăng 33% từ khi niêm yết vào tháng trước.

Hai "kỳ lân" chưa niêm yết gồm startup 4 năm tuổi Preferred Networks Inc., công ty ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tự động tô màu cho nhân vật hoạt hình và Liquid Group Inc., nền tảng giao dịch tiền ảo có trụ sở tại Tokyo.

Do không có nhiều lựa chọn hấp dẫn tại Nhật, những tỷ phú như Masayoshi Son, CEO của SoftBank, chuyển hướng đầu tư mạo hiểm sang các quốc gia khác. Khi ngày càng thiếu nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, các startup Nhật càng phải niêm yết sớm hơn dù quy mô còn nhỏ. Vòng luẩn quẩn này cứ tiếp diễn.

Bên cạnh đó, sự sáng tạo đổi mới tại Nhật cũng gặp những thách thức về văn hoá. Việc thu hút nhân tài gặp không ít khó khăn khi sinh viên mới tốt nghiệp lựa chọn đầu quân cho các công ty lớn và có tiếng thay vì vào các startup. Các nhà sáng lập startup của Nhật cũng được biết đến là khá rụt rè trong việc gọi vốn đầu tư, không giống những startup tại Thung lũng Silicon ở Mỹ.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa hoạt động của startup tại Nhật kém phát triển. Năm ngoái, vốn đầu tư mạo hiểm rót vào các startup tại nước này đạt kỷ lục 3,5 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, chỉ số Mothers đã tăng khoảng 20%, vượt qua mức tăng 9% của chỉ số Topix. Lượng vốn rót vào các IPO ở Nhật cũng đạt mức cao trong năm ngoái. 

Bên cạnh đó, thái độ đối với giới khởi nghiệp cũng đang dần thay đổi. Theo Yoshito Hori, đối tác quản lý tại công ty đầu tư vốn mạo hiểm Globis Capital Partners của Nhật, kỳ thị đối với các startup đang dần được xoá bỏ và họ thu hút được nhiều sinh viên tốt nghiệp hơn. Dù vậy, Hori cho biết các vòng gọi vốn của giới startup Nhật vẫn còn khá khiêm tốn.

Theo Bloomberg, cơ hội thực sự tại Nhật Bản nằm ở đầu tư vốn cổ phần tư nhân, khi nhiều công ty lớn muốn đổi mới, còn các startup lâu năm muốn tìm kiếm một thương vụ mua lại. Năm ngoái, một nhóm nhà đầu tư dẫn đầu là Bain Capital mua lại công ty chíp nhớ của Toshiba Corp. với giá 18 tỷ USD. Tuần này, KKR & Co. đã bán mảng thiết bị bán dẫn của Hitachi Kokusai Electric cho công ty Applied Materials Inc., có trụ sở tại Mỹ, với giá 2,2 tỷ USD. 18 tháng trước, công ty này cũng chi một khoản tương đương để mua lại công ty sản xuất thiết bị không dây từ Hitachi Ltd. 

Thậm chí, ngân hàng Japan Post Bank Co., một trong những nhà băng lớn nhất thế giới, và Quỹ Đầu tư Hưu trí Chính phủ Nhật Bản, cũng đang chuyển hướng rót vốn đầu tư cổ phần tư nhân.

Chuyên đề