Ảnh Internet |
Theo thông tin từ Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/8/2023, có 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay lại, với tổng số đề nghị giảm là 5.565,149 tỷ đồng, gồm: An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, TP.HCM, Thanh Hóa, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Tiền Giang.
6 địa phương đề nghị tăng dự toán vay lại, với tổng số đề xuất tăng là 349,344 tỷ đồng, gồm: Bình Định, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Phú Thọ.
Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho hay, qua tổng hợp từ các địa phương, việc xin điều chỉnh giảm kế hoạch vốn vay lại của các địa phương là do: các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư (chưa ký hiệp định vay, hiệp định chưa có hiệu lực hoặc đang điều chỉnh chủ trương đầu tư); các dự án đã kết thúc, hết thời hạn giải ngân hoặc không còn nhu cầu giải ngân, phần vốn tỉnh chưa phân bổ; các dự án điều chỉnh giảm để phù hợp với kế hoạch vốn cấp phát được giao hoặc phù hợp với nhu cầu và tiến độ triển khai dự án; các dự án gặp vướng mắc (giải phóng mặt bằng, đấu thầu...) nên không giải ngân được hết kế hoạch vốn.
Trong số này, nhóm các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư là nhóm chiếm số tiền lớn nhất; nhóm các dự án đã kết thúc, hết thời hạn giải ngân hoặc không còn nhu cầu giải ngân, phần vốn tỉnh chưa phân bổ là nhóm có số địa phương xin điều chuyển nhiều nhất.
Ngược lại, một số địa phương xin điều chỉnh tăng kế hoạch vốn vay lại là do: các tỉnh có dự án sẽ hết thời hạn giải ngân trong năm 2023 nên cần bổ sung kế hoạch vốn đề giải ngân; các tỉnh xin bổ sung kế hoạch vốn để phù hợp với tiến độ triển khai trong năm 2023 của các dự án.