Phản ứng của một người Nhật khi nhìn bảng điện tử chứng khoán sáng nay. Ảnh:Bloomberg |
Làn sóng bán tháo chứng khoán toàn cầu bắt đầu từ tuần trước và đang dần tăng tốc. Hôm qua, chứng khoán Mỹ có phiên giảm điểm kỷ lục. Chỉ số S&P 500 thậm chí có ngày tồi tệ nhất trong 6 năm.
Chịu ảnh hưởng từ Mỹ, các thị trường châu Á sáng nay cũng không thoát khỏi đà giảm. Nikkei 225 (Nhật Bản) đầu phiên chiều mất tới 7%. Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) cũng giảm 3-4%. Chứng khoán châu Âu mở cửa chiều nay cũng đồng loạt mất hơn 3% tại các thị trường lớn như Anh, Pháp, Đức và Italy.
Theo giới phân tích, dưới đây có thể là những nguyên nhân đằng sau diễn biến gần đây của thị trường thế giới.
1. Lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng vọt
Lãi suất các loại trái phiếu kho bạc kỳ hạn dài của Mỹ gần như không nhúc nhích sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chương trình thắt chặt tiền tệ cuối năm 2015. Nhà đầu tư cho rằng khi nền kinh tế tăng trưởng tốt mà không gây ra lạm phát cao, lãi suất cho vay dài hạn có thể duy trì ở mức thấp. Dĩ nhiên, điều này đã giúp chứng khoán đi lên.
Tuy nhiên, từ tháng trước, các lãi suất này bắt đầu tăng cao. Một số người cảnh báo nếu lãi suất kỳ hạn 10 năm vượt quá 2,6%, chứng khoán sẽ gặp rắc rối lớn. Và họ đã đúng. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã lên 2,885% hôm qua - cao nhất 4 năm.
2. Chính sách chưa rõ ràng của Fed
Bên cạnh vấn đề lãi suất trái phiếu tăng, người ta cũng ngày càng tranh cãi nhiều về triển vọng chính sách tiền tệ của Fed. Từ khi Fed bắt đầu thắt chặt, nhà đầu tư vẫn tỏ ra khá thoải mái khi cho rằng cơ quan này sẽ ngừng nâng lãi ở mức thấp hơn đáng kể so với thời tiền khủng hoảng.
Tuy nhiên, chính sách cắt giảm thuế trị giá 1.500 tỷ USD đã được kích hoạt ngay khi Mỹ tăng trưởng trung bình 3% trong 3 quý cuối năm ngoái. Báo cáo việc làm cuối tuần trước cũng cho thấy lương nhân công tại nước này đang tăng, có khả năng kéo lạm phát lên cao. Cộng với việc Fed sắp thay Chủ tịch, nhà đầu tư càng không chắc chắn về chính sách sắp tới của cơ quan này, dù ông Jerome Powell được kỳ vọng tiếp tục lập trường thắt chặt từ từ của bà Janet Yellen.
3. Các yếu tố kỹ thuật
Sự khởi đầu ấn tượng của chứng khoán Mỹ hồi đầu năm là chỉ báo cho việc cổ phiếu đang được mua vào quá mạnh trong ngắn hạn, các nhà phân tích tại Citigroup nhận xét. Chỉ số đo sức mạnh hàng tuần của S&P 500 đã lên cao kỷ lục và Citigroup cũng dự báo thị trường sẽ có sự điều chỉnh lên tới 20%.
Bank of America Merrill Lynch thì cho rằng quá nhiều tiền đã được đổ vào thị trường với tốc độ quá nhanh. Theo họ, tín hiệu bán đã xuất hiện vào ngày 30/1 rồi.
4. Cổ phiếu được định giá quá cao
Chứng khoán Mỹ đang hướng đến các mức rất cao, kể cả khi so với các tiêu chuẩn đã được nâng lên đáng kể trong 3 thập kỷ qua. Hệ số giá trên lợi nhuận (P/E) của các cổ phiếu tại Wall Street đã lên mức chỉ xuất hiện thời bong bóng dotcom và Đại suy thoái cuối thập niên 20.