VCB giảm sốc, chỉ số ngụp lặn dưới tham chiếu

0:00 / 0:00
0:00
Cả VN-Index lẫn VN30-Index đáng lẽ không đỏ lúc cuối phiên, nếu như siêu trụ VCB không "chết đứng" với hệ thống giao dịch. Lệnh mua không vào được trong khi bất ngờ xuất hiện 20.000 cổ bán ra đè bẹp giá...
VN-Index chủ yếu tăng tuần này nhờ diễn biến ngày thứ Hai.
VN-Index chủ yếu tăng tuần này nhờ diễn biến ngày thứ Hai.

Cả VN-Index lẫn VN30-Index đáng lẽ không đỏ lúc cuối phiên, nếu như siêu trụ VCB không "chết đứng" với hệ thống giao dịch. Lệnh mua không vào được trong khi bất ngờ xuất hiện 20.000 cổ bán ra đè bẹp giá cổ phiếu này.

Nhóm cổ phiếu trụ tiếp tục gây họa cho cả hai chỉ số chính phiên này, nhưng lỗi lớn hơn lại đến từ việc tắc nghẽn hệ thống. Lệnh mua đối ứng đã không thể vào được dù lực bán rất mỏng. VCB là một trong những trường hợp tiêu biểu.

Cổ phiếu này vốn hóa chỉ sau VIC nên mỗi biến động giá đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên VN-Index. VCB giảm giá liên tục trong phiên, thậm chí còn không có nhịp hồi đáng kể nào đã tạo sức ép kiềm chế khả năng phục hồi ở chỉ số. Đặc biệt lúc ATC, VCB là nạn nhân của kẹt lệnh trên hệ thống, kéo theo VN-Index cũng gục.

Cũng giống như hôm qua, hệ thống giao dịch nghẽn rất sớm nên thanh khoản phiên chiều rất nhỏ. Thậm chí HSX đợt ATC còn giao dịch chưa tới 94 tỷ đồng. VCB vài phút cuối cùng ở đợt khớp lệnh liên tục có lệnh mua đẩy giá lên 98.300 đồng, tức là vẫn còn giảm 1,7% so với tham chiếu. Tuy nhiên đến đợt ATC cổ phiếu này xuất hiện lệnh bán 20.000 cổ và không có bất kỳ lệnh mua mới nào xuất hiện. Do lượng bán đột ngột nhiều lên mà không có mua đỡ, nên giá đóng cửa của VCB bị đánh gục xuống 97.500 đồng, giảm 2,5% so với tham chiếu và tương đương giảm gần 1% ở đợt ATC.

Như vậy VCB đã xác lập là blue-chips giảm sốc nhất trong 2 phiên cuối tuần khi mất đi tổng cộng 4,32%. Bao nhiêu thành quả tăng đột biến hôm đầu tuần (tăng 4,3%) trở thành "công cốc". Chỉ riêng mức giảm hôm nay của VCB đã khiến VN-Index mất đi hơn 2,5 điểm và VN30-Index mất 3,6 điểm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay vẫn có một số mã tăng, như MBB tăng 0,48%, VPB tăng 1,07%, STB tăng 2,25%, LPB tăng 3,71%, nhưng các mã lớn đều giảm: Ngoài VCB, có BID giảm 1,12%, TCB giảm 0,83%, CTG giảm 0,23%, TPB giảm 0,35%, EIB giảm 1,54%, VIB giảm 0,98%...

Các trụ còn lại cũng không tốt, trong đó đáng kể là VHM giảm 0,8%, VRE giảm 0,85%, MSN giảm 0,97%. Trong Top 10 vốn hóa của VN-Index rất tiếc chỉ có 2 mã tăng là VPB tăng 1,07% và HPG tăng 0,41%. Kể cả mở rộng ra Top 15 thì cũng chỉ thêm GVR tăng 0,35% và NVL tăng 1,35%.

Do có quá nhiều cổ phiếu lớn giảm giá nên VN-Index trọn phiên ngụp lặn dưới tham chiếu và đóng cửa giảm 0,26% tương đương mất 3,23 điểm. VN30-Index có số mã giảm nhỉnh hơn mã tăng nhưng chỉ số vẫn xanh 1,45 điểm (+0,12%) chủ yếu nhờ thay đổi vốn hóa, trong đó FPT tăng 3,14% trở thành trụ chính.

Độ rộng toàn sàn HSX hôm nay cũng không kém, số mã tăng giảm gần bằng nhau tức là thị trường phân hóa chứ không tiêu cực. Tiêu cực duy nhất là các trụ đã không làm tròn nhiệm vụ, thậm chí còn tạo cảm giác thị trường yếu.

Tuy vậy nhà đầu tư cũng không có cảm giác bi quan trừ phi nắm giữ các mã trụ. Nhóm Midcap vẫn tăng 0,21% và Smallcap tăng 0,48%. Thậm chí sàn này còn có hơn 100 mã tăng trên 1% với 20 mã kịch trần. ROS, AMD, FTM, TDG, QCG, TGG, HCD, HAI tăng kịch trần và giao dịch hàng triệu cổ, nhưng toàn có thị giá vài ngàn đồng.

Thị trường biến động khá mạnh trong phiên sáng do ảnh hưởng từ nhịp giảm mạnh hôm qua. VN-Index nhiều lần không vượt được ngưỡng kháng cự dẫn tới áp lực chốt lời tăng. Đầu phiên các blue-chips lại giảm nhiều, kéo theo VN-Index rớt 0,59%. Lực cầu bắt đáy tốt nhất kéo chỉ số sát trở lại tham chiếu, nhưng thiếu vắng VCB và VHM là thiệt thòi quá lớn. Thanh khoản phiên sáng của HSX tăng 7,3% về giá trị, cho thấy có lực cầu bắt đáy nhập cuộc.

Tuy vậy thị trường lại không có được sức mạnh cần thiết trong buổi chiều vì hệ thống đã nghẽn. Cả buổi giao dịch "tắc bụp" chỉ được hơn 700 tỷ đồng và mức độ hồi giá ở cổ phiếu không rõ ràng.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cơ bản là mua ròng nhẹ trong phiên, nhưng gần cuối đột ngột có loạt 4 lệnh thỏa thuận mua ròng cực lớn của VHM, đẩy lượng mua ở mã này lên gần 22,87 triệu cổ. Giá trị mua ròng với VHM tới 2.158,5 tỷ đồng.

Trong khi đó toàn sàn HSX giá trị mua ròng khoảng 2.307,8 tỷ đồng, như vậy nếu loại giao dịch bất ngờ của VHM thì khối ngoại rót ròng còn lại 149,3 tỷ đồng. VRE, HPG, STB, MSN, MBB, NVL là những cổ phiếu được mua ròng lớn nhất. Phía ngược lại CTG bị xả ròng hơn 73 tỷ đồng, BID khoảng 49 tỷ đồng, KDH 20,4 tỷ đồng...

Nhìn trọn tuần, VN-Index vẫn tăng hơn 7 điểm nhưng chủ yếu là do "vùng đệm" của phiên tăng 11,6 điểm đầu tuần. Cả 4 ngày còn lại thì 2 phiên kế tiếp đà tăng rất kém trong khi 2 phiên cuối tuần lại giảm. Như vậy kể từ khi vượt đỉnh 1.200, thực chất thị trường chỉ có hai phiên tăng rõ ràng mà thôi.

Chuyên đề