Vẫn còn lực nâng giá vàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng trong nước đã tăng hơn 1 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng 1,6% trong khi giá vàng thế giới gần như không thay đổi. Giới phân tích cho rằng, vẫn còn một số lực nâng giá vàng trong thời gian tới, đặc biệt là quan ngại về lạm phát.
Giá vàng trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới khoảng 11 triệu đồng/lượng. Ảnh: Tiên Giang
Giá vàng trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới khoảng 11 triệu đồng/lượng. Ảnh: Tiên Giang

Đến 16h ngày 10/2, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch trực tuyến Kitco ở mức 1.832,5 USD/oz, giảm nhẹ so với phiên giao dịch trước đó. Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 61,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 62,25 triệu đồng/lượng (bán ra).

Trước đó, giá vàng đã có những phiên giao dịch tăng, giảm trước ngày Thần Tài (10 tháng Giêng). Cụ thể, cuối ngày 7/2, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 62,8 triệu đồng/lượng mua vào, 63,45 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 300.000 đồng mỗi lượng so với buổi sáng và tăng tới gần 1 triệu đồng/lượng so với trước kỳ nghỉ Tết. Trong khi đó, giá vàng thế giới giữ ổn định ở mức 1.810 USD/oz. Tiếp đó, ngày 8/2, giá vàng SJC giảm mạnh về mức 62 triệu đồng/lượng (mua vào) và 62,6 triệu đồng/lượng (bán ra).

Một trong những điểm đáng quan tâm là khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. Hiện tại, khoảng cách này ở mức khoảng 11 triệu đồng/lượng.

Theo chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh, có nhiều yếu tố nâng giá vàng. Đó là, đà tăng của giá nhiều loại nguyên vật liệu trên thị trường thế giới, các xung đột địa chính trị vẫn chưa ổn thỏa và đáng ngại nhất là xu hướng lạm phát gia tăng ở nhiều nước.

Các công ty kinh doanh vàng cho biết, nguyên nhân của mức chênh lệch là tình trạng bất cân đối cung cầu trên thị trường. Cụ thể, từ giữa năm 2012 khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực đến nay, các doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu dẫn đến nguồn cung vàng hạn chế, trong khi nhu cầu cao nên giá vàng tăng. Thêm vào đó, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp không sản xuất vàng miếng. Do đó, mức chênh lệch giá vàng miếng cao hơn mức chênh lệch của các sản phẩm vàng khác.

Về xu hướng từ nay đến cuối năm, hãng tài chính Wells Fargo (Mỹ) cho rằng, vàng vẫn còn sức hấp dẫn với giới đầu tư bởi triển vọng phục hồi kinh tế vẫn còn rủi ro, xu hướng lạm phát tăng cao ở nhiều nước.

Chính phủ Hoa Kỳ cho biết, lạm phát có thể tiếp tục tăng cao trong tháng đầu tiên của năm 2022. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 7% trong năm 2021, tốc độ tăng nhanh nhất trong bốn thập kỷ qua. Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ cho rằng, lạm phát là hiện tượng toàn cầu và được dự báo sẽ tăng nhẹ hơn trong năm 2022 khi các vấn đề trong chuỗi cung ứng được giải quyết và khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chấm dứt các chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Nhóm phân tích của Wells Fargo dự báo giá kim loại này có thể lên mức trên 2.000 USD/oz vào cuối năm nay dù vẫn còn một số trở ngại với đà tăng của giá vàng như việc thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ của các quốc gia, giới đầu tư lạc quan về triển vọng kinh tế trong thời gian tới.

Theo chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh, có nhiều yếu tố nâng giá vàng. Đó là, đà tăng của giá nhiều loại nguyên vật liệu trên thị trường thế giới, các xung đột địa chính trị vẫn chưa ổn thỏa và đáng ngại nhất là xu hướng lạm phát gia tăng ở nhiều nước.

Về chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, theo ông Thịnh, đó là hệ quả từ Nghị định 24/2012/NĐ-CP song văn bản này có mặt tích cực là giúp kiểm soát tốt thị trường vàng trong thời gian qua, hạn chế tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế, gián tiếp giảm sức hấp dẫn của vàng trong so sánh với các kênh đầu tư khác.

Chuyên đề