Tuyến đường trục Đông - Tây (Sóc Trăng): 5/10 nhà thầu đang hụt tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện có 5 trên tổng số 10 nhà thầu đảm nhiệm 2 gói thầu xây lắp tại Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông - Tây (tỉnh Sóc Trăng) đang bị “hụt” tiến độ khiến giá trị xây lắp thực hiện bị chậm khoảng 10% so với kế hoạch. Theo đánh giá, ngoài nguyên nhân về mặt bằng thi công, công trường nằm ở vùng hẻo lánh nên nhà thầu khó tập kết vật tư, thiết bị thi công.
5/10 nhà thầu đang hụt tiến độ Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông - Tây (tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Ngọc Tuấn
5/10 nhà thầu đang hụt tiến độ Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông - Tây (tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Ngọc Tuấn

Theo đó, Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2025. Tuyến đường có chiều dài 56,6 km, được chia thành 2 gói thầu xây lắp. Gói thầu số 8 Thi công xây dựng công trình (đoạn từ Km0+000 - Km29+300) có 25 cầu và 24 cống ngang đường, do Liên danh Công ty CP Xây dựng Tân Nam - Công ty CP Tập đoàn Phú Tài Miền Trung đảm nhiệm với giá trúng thầu hơn 755 tỷ đồng; thời gian thi công 1.260 ngày kể từ ngày 15/4/2022. Gói thầu số 9 Thi công xây dựng công trình (đoạn 2 từ Km29+300 - Km56+678) có 19 cầu và 26 cống ngang đường. Nhà thầu thực hiện là Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà - Công ty CP Xây dựng Đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương với giá trúng thầu 817,889 tỷ đồng, thời gian thi công 1.260 ngày.

Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án (QLDA) 2 tỉnh Sóc Trăng, tới cuối tháng 6/2023, Dự án cơ bản bảo đảm tiến độ. Hiện tại, khối lượng thực hiện các hạng mục đều tăng so với kỳ trước. Các nhà thầu đang triển khai thi công 31 cầu trên tổng số 44 cầu và 16 cống trên tổng số 50 cống của toàn Dự án.

Ông Huỳnh Phước Thái, Phó Giám đốc Ban QLDA 2 tỉnh Sóc Trăng cho biết, lũy kế giá trị xây lắp thực hiện đến nay của Dự án đạt 516,3 tỷ đồng, tương đương 33% giá trị hợp đồng; chậm khoảng 10% so với kế hoạch. Trong đó, có 5 trên tổng số 10 nhà thầu chính, thầu phụ không đạt tiến độ theo kế hoạch. Năm 2023, Dự án được bố trí khoảng 411 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 400 tỷ đồng và ngân sách địa phương chuyển tiếp là 11,06 tỷ đồng. Hiện đã giải ngân 108 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương (đạt 27%) và 100% số vốn ngân sách địa phương chuyển tiếp.

“Đây là dự án lớn, có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Sóc Trăng, do vậy được lãnh đạo Tỉnh đặc biệt quan tâm. Nguồn vốn được bố trí đầy đủ nhằm đáp ứng tiến độ thực hiện Dự án. Tuy nhiên, Dự án vẫn đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại về giải phóng mặt bằng (GPMB) và khó khăn trong khâu tập kết vật tư, thiết bị thi công”, ông Thái thông tin.

Lũy kế giá trị xây lắp thực hiện đến nay của Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông - Tây (tỉnh Sóc Trăng) đạt 516,3 tỷ đồng, tương đương 33% giá trị hợp đồng. Ảnh: Ngọc Tuấn

Lũy kế giá trị xây lắp thực hiện đến nay của Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông - Tây (tỉnh Sóc Trăng) đạt 516,3 tỷ đồng, tương đương 33% giá trị hợp đồng. Ảnh: Ngọc Tuấn

Báo cáo của Ban QLDA 2 kỳ giữa tháng 6/2023 cho thấy, tại Gói thầu số 8, Công ty CP Tập đoàn Phú Tài Miền Trung đã thi công đạt khối lượng 52 tỷ đồng, tương đương 16% giá trị hợp đồng, đạt 80% giá trị theo kế hoạch (65 tỷ đồng). Tại gói thầu này, Công ty TNHH Trung Vỉnh đảm nhiệm khối lượng giá trị 9,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, khối lượng thực hiện của nhà thầu này mới đạt 1,5 tỷ đồng, tương đương 15% giá trị hợp đồng và đạt tỷ lệ 31% giá trị theo kế hoạch (4,8 tỷ đồng).

Tại Gói thầu số 9, Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà đảm nhiệm khối lượng công việc giá trị 353,8 tỷ đồng. Tới nay, Nhà thầu đã thực hiện đạt 143,3 tỷ đồng, tương đương 41% giá trị hợp đồng và 82% giá trị theo kế hoạch (174,7 tỷ đồng). Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương đảm nhiệm khối lượng 308,1 tỷ đồng; đã thực hiện được 147 tỷ đồng, đạt 96% giá trị theo kế hoạch (153 tỷ đồng). Còn Công ty CP Xây dựng giao thông Sóc Trăng đã thi công đạt 15,6 tỷ đồng, tương đương 44% giá trị hợp đồng, 65% giá trị theo kế hoạch.

Ban QLDA 2 tỉnh Sóc Trăng cho biết, nhìn chung, công tác GPMB của Dự án bảo đảm yêu cầu, song vẫn còn một số vướng mắc. Trong khi địa bàn thị xã Ngã Năm và huyện Thạnh Trị đã bàn giao đạt trên 97%, thì thị xã Vĩnh Châu có tỷ lệ bàn giao mới đạt 72%, vì vậy rất khó khăn trong công tác tập kết vật tư, thiết bị, bố trí phương án thi công… Đáng ngại nhất là các công trình hạ tầng kỹ thuật còn vướng; trụ và đường dây điện lực, viễn thông (VNPT, Viettel) làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đặc biệt là hệ thống trụ điện trung hạ thế của Công ty Điện lực Sóc Trăng đến nay vẫn chưa thực hiện di dời xong.

Ban QLDA 2 cho biết thêm, địa hình khu vực công trường phức tạp, ở vùng sâu vùng xa, nhiều vị trí xây dựng ở vùng hẻo lánh, phải tập kết thiết bị, vật tư chủ yếu bằng đường thủy, đa số các tuyến kênh rạch lại nhỏ hẹp, vướng nhiều cầu dân sinh nên rất khó khăn. Trong quá trình thực hiện phải xin phép địa phương nâng tạm cầu dân sinh để vận chuyển thiết bị đóng cọc vào công trình.

Ông Lê Thanh Phúc, Chỉ huy trưởng Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương chia sẻ, khu vực xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên là vùng trũng thấp nên vận chuyển vật liệu xây dựng bằng đường bộ không khả thi. Để khắc phục, Nhà thầu chọn phương án vận chuyển bằng đường sông và dùng máy bơm cát, đá vào tận chân công trình. Biện pháp thi công này khiến Nhà thầu phải gánh thêm chi phí phát sinh.

Chuyên đề