Ảnh minh họa |
Vay 2 tỷ từ ngân hàng bằng công ty “ma”
VKSND TP Hà Nội vừa hoàn tất bản cáo trạng, chuyển hồ sơ sang TAND cùng cấp để nghiên cứu và đề nghị cơ quan này đưa vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Phòng Giao dịch Chương Dương - Chi nhánh Long Biên thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) - ra xét xử cấp sơ thẩm.
Bốn bị can bị truy tố trong vụ án gồm Cao Cự Vinh (SN 1962, nguyên Giám đốc Phòng Giao dịch Chương Dương) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Nguyễn Xuân Toản (SN 1978, nguyên Tổ trưởng Tổ tín dụng kiêm cán bộ kiểm soát Phòng Giao dịch Chương Dương) và Trịnh Tuấn Minh (SN 1987, cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Chương Dương) cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng”.
Bị can còn lại là Trần Toàn Thắng (SN 1975, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và dịch vụ Hoàng Phong (Công ty Hoàng Phong)) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, năm 2015, do cần tiền, Thắng đã dùng thủ đoạn gian dối để vay và chiếm đoạt tiền của Phòng Giao dịch Chương Dương thông qua việc mua lại tư cách pháp nhân của Công ty Hoàng Phong (là công ty không có hoạt động sản xuất, kinh doanh). Sau đó, bị can này làm thủ tục để chuyển đổi cho mình đứng tên Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty Hoàng Phong.
Tiếp theo, Thắng nhờ Hoàng Quế Lan - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Hoàng Ngọc (Công ty Hoàng Ngọc) lập, ký khống hợp đồng kinh tế, hóa đơn, chứng từ… giữa hai công ty này.
Để làm thủ tục thế chấp vay 2 tỷ đồng từ ngân hàng, các đối tượng còn làm công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền giả mạo về chữ ký, chữ viết đối với một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Thạch Thất (Hà Nội).
Toàn bộ số tiền sau khi được giải ngân, Thắng đã rút ra để sử dụng. Đến nay, ngân hàng Agribank xác định không thu hồi được tài sản vì việc thực hiện hợp đồng ủy quyền bị giả mạo.
Tiếp tục điều tra 11 hồ sơ vay vốn khác
Cũng theo cáo trạng, để bị can Thắng có thể dễ dàng chiếm đoạt hàng tỷ đồng từ ngân hàng phải kể đến việc “tạo điều kiện” của 2 cán bộ ngân hàng là Nguyễn Xuân Toản và Trịnh Tuấn Minh.
Trên thực tế, 2 cán bộ biết công ty của Trần Toàn Thắng không có hoạt động sản xuất, kinh doanh; mục đích vốn vay của hợp đồng tín dụng là bất hợp pháp nhưng Toản và Minh không thực hiện thẩm định hồ sơ.
Sau đó, 2 bị can này vẫn báo cáo thẩm định để trình Giám đốc Phòng Giao dịch Cao Cự Vinh phê duyệt, giải ngân 2 tỷ đồng.
Trong vụ án này, VKSND TP Hà Nội xác định, Cao Cự Vinh đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, ký phê duyệt hồ sơ vay vốn.
Cụ thể, với trách nhiệm của mình, Vinh đã không kiểm tra, xem xét kỹ hồ sơ vay vốn nhưng vẫn ký phê duyệt, giải ngân tiền cho Công ty Hoàng Phong, dẫn đến không có khả năng thu hồi tài sản về cho ngân hàng.
Quá trình điều tra làm rõ, Hoàng Quế Lan đã ký khống hợp đồng kinh tế mua bán hàng hóa, xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không tiến hành xử lý hình sự đối với Lan vì người không biết việc Thắng lập khống hồ sơ vay vốn để chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Tài liệu điều tra không chứng minh được Lan hưởng lợi từ vụ việc này.
Đối với hành vi sai phạm khi ký khống hợp đồng kinh tế của Lan, cơ quan điều tra đã có văn bản kiến nghị gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội để xem xét, kiểm tra hoạt động của Công ty Hoàng Ngọc, xử lý theo quy định.
Đáng chú ý, quá trình điều tra vụ án này, cơ quan công an còn phát hiện thấy 3 cán bộ ngân hàng Agribank còn có hành vi liên quan đến nhiều hồ sơ vay vốn khác có dấu hiệu sai phạm.
Trong đó, một hồ sơ vay vốn của người dân trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) có dấu hiệu lập khống, cán bộ ngân hàng tiếp tục có sai phạm trong việc thẩm định, kiểm soát và xét duyệt hồ sơ nhưng ngân hàng đã kịp thu hồi tài sản đảm bảo.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đang tiếp tục điều tra, làm rõ đối với 11 hồ sơ vay vốn khác tại Phòng Giao dịch này để xử lý các đối tượng theo quy định.