Cao nguyên Tây Tạng - Ảnh: Alamy/SCMP. |
Trung Quốc đang thử nghiệm công nghệ quân sự hiện đại để thiết lập một hệ thống chỉnh sửa thời tiết hiệu quả cao nhưng có chi phí tương đối thấp nhằm làm tăng lượng mưa cho cao nguyên Tây Tạng.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), hệ thống trên bao gồm một mạng lưới rộng lớn những buồng đốt đặt ở độ cao lớn trên các dãy núi Tây Tạng. Hệ thống có thể làm tăng lượng mưa ở vùng này lên 10 tỷ mét khối mỗi năm, tương đương khoảng 7% tổng lượng tiêu thụ nước của toàn Trung Quốc.
Theo dự kiến, hàng chục nghìn buồng đốt sẽ được xây dựng tại các địa điểm được lựa chọn ở khắp cao nguyên Tây Tạng để tạo mưa cho một vùng có diện tích khoảng 1,6 triệu km vuông, lớn gấp 3 lần diện tích của Tây Ban Nha. Với diện tích ảnh hưởng lớn như vậy, đây sẽ là hệ thống tạo mưa lớn nhất thế giới.
Các buồng đốt này sẽ đốt nhiên liệu rắn để sản sinh ra iodide bạc, một nhân tố tạo mây với cấu trúc tinh thể giống như nước đá. Các buồng đốt được đặt trên các đỉnh núi đối diện với luồng gió mùa ẩm ướt từ khu vực phía Nam của châu Á.
Khi gặp núi, gió sẽ bị cản lại và hơi nước trong gió sẽ kết hợp với iodide bạc do buồng đốt phát ra, tạo thành mây và gây mưa.
"Đến nay, hơn 500 buồng đốt đã được triển khai trên các dãy núi ở Tây Tạng, Tân Cương và các khu vực khác để chạy thử nghiệm. Các dữ liệu thu thập được cho thấy kết quả rất hứa hẹn", một nhà nghiên cứu của dự án tạo mưa này nói với SCMP.
Đây là hệ thống được phát triển bởi Tổng công ty Khoa học và công nghệ hàng không Trung Quốc, một doanh nghiệp quốc doanh đang dẫn đầu nhiều dự án quốc gia quan trọng khác, bao gồm thăm dò mặt trăng và xây dựng trạm vũ trụ của nước này.
Các nhà khoa học đã thiết kế và xây dựng các buồng đốt dựa trên công nghệ tên lửa quân sự hiện đại, cho phép đốt an toàn và hiệu quả nhiên liệu rắn trong môi trường thiếu oxy ở độ cao trên 5.000 mét so với mực nước biển - theo một nhà nghiên cứu.
Đây không phải là một ý tưởng mới, vì một số quốc gia khác như Mỹ cũng đã có những cuộc thử nghiệm tương tự trên phạm vi nhỏ, nhưng Trung Quốc là nước đầu tiên nỗ lực ứng dụng công nghệ này trên một quy mô lớn như vậy.
Hoạt động hàng ngày của các buồng đốt sẽ được hướng dẫn dựa trên dữ liệu thời gian thực có độ chính xác cao thu thập từ mạng lưới 30 vệ tinh thời tiết theo dõi hoạt động gió mùa ở Ấn Độ Dương.
Mạng lưới trên mặt đất cũng sẽ triển khai các biện pháp tạo mây khác bằng máy bay, thiết bị bay không người lái và pháo để tối đa hóa hiệu quả của hệ thống điều chỉnh thời tiết.
Với dòng sông băng lớn và trữ lượng nước ngọt khổng lồ trong lòng đất, Tây Tạng được xem là tháp nước của châu Á và là nguồn cung cấp nước cho những con sông lớn nhất châu lục này, gồm sông Hoàng Hà, Dương Tử, Mekong, Salween và Brahmaputra. Những con sông này chảy qua Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Lào, Myanmar và nhiều quốc gia khác, trở thành nguồn sống của khoảng một nửa dân số thế giới.
Những dòng không khí nhiều hơi nước di chuyển qua Tây Tạng mỗi ngày, nhưng cao nguyên này vẫn là một trong những nơi khô cằn nhất trên Trái Đất. Hầu hết các khu vực ở Tây Tạng có lượng mưa chưa đầy 10 cm mỗi năm. Theo định nghĩa của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), một nơi có lượng mưa dưới 25 cm mỗi năm đã được định nghĩa là sa mạc.
Công nghệ tạo mưa mà Trung Quốc đang thử nghiệm ở Tây Tạng ban đầu nằm trong chương trình điều chỉnh thời tiết của quân đội nước này. Trung Quốc và các quốc gia khác như Nga và Mỹ đều nghiên cứu cách thức tạo thiên tai như lũ lụt, hạn hán và sóng thần để làm suy yếu kẻ thù trong trường hợp có xung đột nghiêm trọng xảy ra.
Mạng lưới trên mặt đất của công nghệ này có mức giá tương đối rẻ: mỗi buồng đốt có chi phí xây dựng và lắp đặt khoảng 50.000 Nhân dân tệ, tương đương khoảng 8.000 USD. Chi phí có thể giảm xuống nếu sản xuất hàng loạt. Trong khi đó, một máy bay tạo mưa có thể tiêu tốn hàng triệu Nhân dân tệ và có phạm vi hoạt động nhỏ hơn.
Tuy nhiên, nhược điểm của các buồng đốt là không thể hoạt động được nếu không có gió hoặc gió thổi không đúng hướng.