Trung Quốc lo hội nghị thượng đỉnh G20 đổ bể

Bắc Kinh lo ngại phương Tây và các đồng minh sử dụng tranh chấp lãnh thổ và bảo hộ mậu dịch phá hỏng ý định chiến lược của mình tại hội nghị thượng đỉnh G20.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường. Ảnh:AFP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường. Ảnh:AFP

Mặc dù hy vọng củng cố vị thế cường quốc thế giới thông qua việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Hàng Châu vào 4-5/9, Bắc kinh vẫn tỏ ra lo ngại phương Tây và các đồng minh sẽ tìm cách phủ nhận mọi nỗ lực và vai trò của mình trên trường quốc tế.

Vì thế, đảm bảo điều này không xảy ra sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chỉ dấu để Bắc Kinh đánh giá mức độ thành công của hội nghị, theo Reuters.

Bình luận viên về Trung Quốc Ben Blanchard nhận định Bắc Kinh đang muốn sử dụng hội nghị để đề xuất một chiến lược lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều khả năng các cuộc đàm phán này sẽ bị phủ bóng bởi những tranh cãi trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ và bảo hộ mậu dịch.

"Trung Quốc đang cảm thấy dường như người Mỹ đang cố gắng bao vây họ", một phái viên cấp cao phương Tây mô tả các cuộc trao đổi với quan chức Trung Quốc trước G20.

Trung Quốc gần đây thể hiện sự tức giận trước phán quyết của Tòa Trọng tài, bác bỏ yêu sách phi lý của nước này trên Biển Đông. Bắc Kinh cáo buộc chính Washington mới là nhân tố đứng đằng sau vụ kiện được khởi xưởng bởi Manila.

Bắc Kinh luôn khẳng định họ không muốn những vấn đề trên phủ bóng lên hội nghị thượng đỉnh G20, một sự kiện quốc tế quan trọng có sự tham gia của nhiều nguyên thủ và lãnh đạo trên thế giới.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tung hô rằng đây là cơ hội để Trung Quốc thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc hình thành quy tắc quản trị toàn cầu và vượt lên với tốc độ tăng trưởng toàn cầu bền vững. Tờ Nhân dân nhật báo tuyên bố hội nghị G20 lần này sẽ là một trong những hội nghị hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, một bài báo đăng trên tờ Study Times hồi giữa tháng 8 lại lo ngại các nước phương Tây đang cố gắng nhằm loại trừ một Trung Quốc đang "trỗi dậy" và từ chối vai trò của Bắc Kinh đối với các cơ chế như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Lo ngại đồng minh của Mỹ

Ngày 25/8, ủy viên Quốc vụ viện phụ trách ngoại giao của Trung Quốc, Dương Khiết Trì đã kêu gọi Nhật Bản nên "đóng vai trò xây dựng" tại hội nghị thượng đỉnh G20, trong bối cảnh Bắc Kinh lo ngại Tokyo có kế hoạch can dự vào cuộc tranh chấp ở Biển Đông.

Wang Youming, Giám đốc chương trình về các nước đang phát triển tại Học viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc cho biết trên Global Times rằng càng đến gần hội nghị thượng đỉnh G20, "Nhật Bản càng cố tình tìm cách gây rắc rối".

"Nhật Bản can dự vào các vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông bằng cách hỗ trợ Philippines, hay kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của 'cái gọi là' Tòa Trọng tài. Nhật Bản giở các thủ đoạn cũ và không thể không nghĩ rằng họ đang tìm cách làm mọi chuyện rối tung lên", Youming cáo buộc.

Về kinh tế, Trung Quốc cũng không hài lòng trước những nghi ngại của Anh và Australia về chiến lược đầu tư nước ngoài của Bắc Kinh, khi khẳng định thái độ của London và Canberra là biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ và sự hoang tưởng.

Australia mới đây đã ngăn cản thương vụ bán hệ thống cung cấp năng lượng lớn nhất nước này cho Trung Quốc với giá 7,7 tỷ USD, trong khi Anh đã trì hoãn một dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân do Trung Quốc đầu tư với số vốn lên đến 24 tỷ USD.

Joerg Wuttke, Chủ tịch phòng Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) ở Trung Quốc cho biết ngày càng nhiều quan chức phương Tây lo ngại về hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc. Họ công khai phản đối việc các doanh nghiệp này bị đối xử không công bằng và cho rằng Trung Quốc đang có thái độ bảo hộ cho các công ty của mình.

"Một điều chắc chắn là Trung Quốc rất mong muốn G20 diễn ra suôn sẻ. Điều này rất quan trọng, đó là niềm tự hào quốc gia. Nhưng đây sẽ là một thách thức rất lớn đối với Bắc Kinh", một nhà ngoại giao phương Tây nhận định. 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư