Trung Quốc có thể làm gì sau phán quyết vụ kiện biển Đông?

Truyền thông thế giới nhận định về các khả năng phán ứng của Trung Quốc với phán quyết của PCA...
Hình ảnh cho thấy hoạt động bồi lấp và xây dựng trái phép của Trung Quốc tại một thực thể trên biển Đông - Ảnh: EPA/WSJ.
Hình ảnh cho thấy hoạt động bồi lấp và xây dựng trái phép của Trung Quốc tại một thực thể trên biển Đông - Ảnh: EPA/WSJ.

Liệu Trung Quốc sẽ làm gì sau khi tòa án trọng tài quốc tế bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của nước này trên biển Đông?

Ngày 12/7, Tòa án Thường trực Trọng tài (PCA) ở The Hague, Hà Lan đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. 

Sau khi phán quyết được đưa ra, Trung Quốc tiếp tục giữ nguyên lập trường “không chấp nhận, không công nhận” phán quyết.

Theo CNN, dù bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, phán quyết của PCA không chỉ ra điều gì sẽ diễn ra tiếp theo. PCA không hề yêu cầu Trung Quốc có bước đi cụ thể nào để giải quyết tình hình, phá các công trình xây dựng của nước này ở biển Đông, hay bồi thường cho Philippines.

Và cho dù phán quyết này được xem là ràng buộc về mặt luật pháp, không có cơ chế nào thực thi phán quyết. Theo các chuyên gia, việc thực thi sẽ tùy thuộc vào việc Phillipines dám “rắn” đến mức nào với Trung Quốc, cũng như phản ứng của Trung Quốc với sự cứng rắn đó của Philippines.

Nhận định về các khả năng phản ứng của Trung Quốc với phán quyết của PCA, hãng tin Bloomberg cho rằng các khả năng này rất đa dạng, từ phản ứng nhẹ nhàng như tìm cách đàm phán với các nước có tranh chấp và giảm sự hiện diện quân sự trên biển Đông, cho tới phản ứng mạnh.

Trong đó, phản ứng mạnh nhất là Trung Quốc có thể bắt đầu xây dựng trên bãi cạn Hoàng Nham mà nước này chiếm từ Philippines vào năm 2012.

“Phán quyết này có thể đẩy Trung Quốc tới một vị trí đối đầu mạnh hơn và sẽ thổi bùng căng thẳng trong khu vực”, ông Ni Lexiong, Giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách quốc phòng và sức mạnh trên biển thuộc Đại học Khoa học chính trị và luật pháp Thượng Hải, nhận định. “Trung Quốc có thể sẽ tiến hành thêm các cuộc tập trận quân sự trên biển Đông trong thời gian tới”.

Trước đây, các quan chức Mỹ đã nói rằng họ lo ngại Trung Quốc có thể phản ứng với phán quyết của PCA bằng cách công bố một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông như đã làm ở Hoa Đông vào năm 2013, hoặc đẩy mạnh các hoạt động xây dựng và bồi lấp đảo nhân tạo.

Tờ Wall Street Journal cũng nói rằng các nhà phân tích dự báo phán quyết của PCA sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng trên biển Đông thay vì dẫn tới sự thương lượng  giữa Bắc Kinh và các quốc gia tuyên bố chủ quyền khác trên vùng biển này. Tuy vậy, việc không tuân thủ phán quyết sẽ khiến Trung Quốc đối mặt nguy cơ bị mất uy tín, bị xem là một quốc gia coi thường luật pháp quốc tế.

Nhưng cho dù Trung Quốc định làm gì, thì phán quyết của PCA cũng có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là lần đầu tiên có một thách thức pháp lý đối với nước này trong vấn đề biển Đông.

Hãng tin Reuters cho biết, trước khi phán quyết được công bố, khoảng 100 người Philippines đã biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila, kêu gọi Bắc Kinh chấp nhận phán quyết và rời khỏi bãi cạn Hoàng Nham.

Trong khi đó, xuất hiện nhiều ý kiến phản đối trên các mạng xã hội của Trung Quốc trước phán quyết của PCA.

Còn trên các mạng xã hội ở Philippines, người dùng đã sử dụng rộng rãi từ “Chexit” (kết hợp giữa China - Trung Quốc và exit - rời đi) để thể hiện mong muốn của người dân nước này về việc tàu thuyền của Trung Quốc ra khỏi các khu vực lấn chiếm trái phép trên biển Đông. 

Chuyên đề